I. QUY TRÌNH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH:
1. Thành lập Ban vận động xây dựng Tổ hợp tác hay Hợp tác xã
Để thành lập THT hay HTX, điều trước tiên chính quyền cấp xã cần vận động bà con nông dân đề cử những người có trình độ năng lực cao vào Ban vận động hình thành THT hay HTX. Ban vận động có các nhiệm vụ sau :
- Phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan về kinh tế tập thể đến rộng rãi quần chúng ;
- Hỗ trợ sáng lập viên trong việc vận động nhân dân tham gia THT hay HTX.
- Hỗ trợ sáng lập viên về các thủ tục thành lập THT hay HTX và cùng tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thành lập Hợp tác xã.
Thành phần Ban vận động :
- Một Phó Chủ tịch xã làm trưởng Ban;
- Các thành viên gồm : CB chuyên trách Địa chính-Nông nghiệp, kinh tế, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, các Ban Nhân dân ấp.
2. Trình tự thành lập tổ hợp tác:
(Áp dụng Điều 111 đến Điều 120 Bộ Luật Dân sự 2005)
Bước 1:
Cần những người có tâm quyết, có nhận thức về kinh tế hợp tác và có uy tín và khả năng vận động trong cộng đồng, tối thiểu là 3 người. Tổ viên là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
Bước 2: Xây dựng Hợp đồng hợp tác
Hợp đồng hợp tác có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Mục đích, thời hạn hợp đồng hợp tác.
- Họ tên, nơi cư trú của tổ trưởng và các tổ viên.
- Mức đóng góp tài sản (nếu có), phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức giữa các tổ viên;
- Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ trưởng và tổ viên;
- Điều kiện nhận tổ viên mới và ra khỏi tổ hợp tác;
- Điều kiện chấm dứt tổ hợp tác;
- Các thỏa thuận khác;
Hợp đồng sau khi xây dựng xong, tổ trưởng Tổ Hợp tác mang đến UBND cấp xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) chứng thực hợp đồng. Sau khi hợp đồng được chứng thực, Ban điều hành tổ tiến hành điều hành tổ theo nội dung hợp đồng đã thống nhất.
Bước 3:
Đại diện của tổ hợp tác là Tổ trưởng do các tổ viên cử ra. Tổ hợp tác bầu tổ trưởng, tổ phó ( nếu tổ có nhiều tổ viên và thấy cần có tổ phó) Thư ký tổ để thực hiện công việc ghi chép ( thường chọn người am hiểu về kế toán, sổ sách...) họp và bàn phương thức hoạt động.
Tổ hợp tác chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của tổ; nếu tài sản không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của tổ thì tổ viên phải chịu trách nhiệm liên đới theo phần tương ứng với phần đóng góp bằng tài sản riêng của mình.
3. Trình tự thành lập Hợp tác xã. (Theo Luật Hợp tác xã năm 2003)
Bước 1: Xác định nhu cầu hợp tác :
Các vấn đề cần được xác định:
- Đối tượng cần hợp tác.
- Điều kiện sản xuất kinh doanh của địa phương.
- Các thuận lợi, khó khăn trong hoạt động của Hợp tác xã. Các vấn đề trên cần được phân tích, đánh giá nhằm định hướng phát triển cho hợp tác xã.
- Mối quan tâm của địa phương.
Bước 2: Sáng lập và công tác vận động.
Nhiệm vụ 1: Tìm sáng lập viên :
Sáng lập viên có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Hợp tác xã vì là người khởi xướng việc thành lập Hợp tác xã và tham gia Hợp tác xã. Sáng lập viên là Cá nhân, hộ gia đình hoặc pháp nhân khởi xướng việc thành lập hợp tác xã và tham gia hợp tác xã. ( dưới đây gọi tắt là sáng lập viên)
Sáng lập viên phải là người có ý tưởng hình thành việc hợp tác, có hiểu biết về Luật và tổ chức Hợp tác xã, có nhiệt tình, uy tín, khả năng, hiểu biết về những vấn đề mà Hợp tác xã dự định sản xuất kinh doanh-dịch vụ, có khả năng đề xướng các chương trình và lập kế hoạch hoạt động của Hợp tác xã.
Nhiệm vụ 2:
- Sáng lập viên báo cáo bằng văn bản với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi dự định đặt trụ sở chính của hợp tác xã về việc thành lập, địa điểm đóng trụ sở, phương hướng sản xuất, kinh doanh và kế hoạch hoạt động của hợp tác xã.
- Sáng lập viên tiến hành tuyên truyền, vận động các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân khác có nhu cầu tham gia hợp tác xã; xây dựng phương hướng sản xuất, kinh doanh; dự thảo Điều lệ hợp tác xã và xúc tiến các công việc cần thiết khác để tổ chức hội nghị thành lập hợp tác xã.
- Chuẩn bị những tài liệu pháp lý, quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động của Hợp tác xã
Nhiệm vụ 3: Xây dựng dự thảo Điều lệ Hợp tác xã
Sáng lập viên xây dựng Điều lệ cho hợp tác xã trên cơ sở mẫu hướng dẫn xây dựng Điều lệ (Nghị định số 77/2005/NĐ-CP ngày 9/6/2005 của Chính phủ), Điều lệ Hợp tác xã có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên hợp tác xã, biểu tượng của hợp tác xã (nếu có);
b) Địa chỉ trụ sở chính của hợp tác xã;
c) Ngành, nghề sản xuất, kinh doanh;
d) Các quy định về đối tượng, điều kiện, thủ tục gia nhập hợp tác xã và ra hợp tác xã của xã viên;
đ) Các quy định về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của xã viên;
e) Nguyên tắc và đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc;
g) Vốn điều lệ của hợp tác xã;
h) Vốn góp tối thiểu: mức góp, hình thức góp, thời hạn góp và điều kiện trả lại vốn góp của xã viên;
i) Thẩm quyền và phương thức huy động vốn;
k) Nguyên tắc trả công, xử lý các khoản lỗ; chia lãi theo vốn góp, theo công sức đóng góp của xã viên và theo mức độ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã; trích lập, quản lý và sử dụng các quỹ của hợp tác xã;
l) Thể thức quản lý, sử dụng, bảo toàn và xử lý phần tài sản chung, vốn tích luỹ của hợp tác xã khi hợp tác xã đang hoạt động và khi hợp tác xã giải thể;
m) Cơ cấu tổ chức quản lý hợp tác xã; chức năng, quyền, nhiệm vụ và trách nhiệm của Ban quản trị, Trưởng Ban quản trị, Chủ nhiệm hợp tác xã, Ban kiểm soát, Trưởng Ban kiểm soát và các bộ phận giúp việc cho hợp tác xã;
n) Người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã;
o) Thể thức tiến hành Đại hội và thông qua quyết định của Đại hội xã viên;
p) Chế độ xử lý vi phạm Điều lệ hợp tác xã và nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;
q) Thể thức sửa đổi Điều lệ hợp tác xã;
r) Các quy định khác do Đại hội xã viên tự quyết định nhưng không trái với quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ 4: Xây dựng dự thảo phương hướng sản xuất kinh doanh-dịch vụ của Hợp tác xã:
4.1. Nêu rõ các lĩnh vực hoạt động của Hợp tác xã;
Đối với từng ngành nghề kinh doanh cần đánh giá các nội dung sau:
+ Đánh giá thị trường: (lượng sản phẩm hiện có, nguồn, mức độ đáp ứng cung cầu)
+ Dự kiến đầu vào:
a) Nguồn: nguyên, nhiên liệu...
b) Nguồn vốn:
c) Nguồn lao động:
d) Nguồn công nghệ, máy móc, thiết bị kỹ thuật: . . .
Đánh giá tổng quan khả năng, công suất, số lượng sản phẩm/ thời gian, đơn giá sản xuất cho một đơn vị sản phẩm.
+ Dự kiến đầu ra:
- Thị trường tiêu thụ:
- Giá bán:
- Các chi phí
- Lợi nhuận:
- Thu nhập xã viên
- Dự kiến nộp thuế
+ Biện pháp bảo vệ môi trường:
- Những nguyên liệu độc hại:
- Chất thải rắn:
- Chất thải khí:
- Chất thải nước:
- Biện pháp khắc phục:
4.2.Mục tiêu và các giải pháp để đạt được mục tiêu;
4.3. Dự kiến hướng phát triển hợp tác xã trong các năm tới.
Nhiệm vụ 5: Xác lập danh sách những người có nhu cầu tham gia Hợp tác xã.
Nhiệm vụ 6: Lấy ý kiến đóng góp của dân (những người sẽ là xã viên) về dự thảo Điều lệ Hợp tác xã và dự thảo phương hướng sản xuất kinh doanh-dịch vụ của Hợp tác xã.
Bước 3: Tổ chức Hội nghị thành lập Hợp tác xã
- Hội nghị thành lập hợp tác xã do sáng lập viên tổ chức. Thành phần tham gia hội nghị bao gồm sáng lập viên và cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có nguyện vọng trở thành xã viên.
- Hội nghị thảo luận và thống nhất về phương hướng sản xuất, kinh doanh; kế hoạch hoạt động của hợp tác xã; dự thảo Điều lệ hợp tác xã; tên, biểu tượng (nếu có) của hợp tác xã và lập danh sách xã viên.
- Hội nghị thảo luận và biểu quyết theo đa số các vấn đề sau đây:
a) Thông qua danh sách xã viên; số lượng xã viên từ 7 người trở lên;
b) Thông qua Điều lệ, Nội quy hợp tác xã;
c) Quyết định thành lập riêng hay không thành lập riêng bộ máy quản lý và bộ máy điều hành hợp tác xã.
Đối với hợp tác xã thành lập một bộ máy vừa quản lý vừa điều hành thì bầu Ban quản trị và Chủ nhiệm; Chủ nhiệm hợp tác xã đồng thời là Trưởng Ban quản trị; quyết định số lượng Phó chủ nhiệm hợp tác xã.
Đối với hợp tác xã thành lập riêng bộ máy quản lý và bộ máy điều hành thì bầu Ban quản trị và Trưởng Ban quản trị trong số thành viên Ban quản trị; quyết định bầu hoặc thuê Chủ nhiệm hợp tác xã; quyết định số lượng Phó chủ nhiệm hợp tác xã;
Các chức danh của Hợp tác xã được xã viên bầu trực tiếp gồm:
d) Bầu Ban Quản trị, Chủ nhiệm và Trưởng Ban quản trị được bầu trong số thành viên của Ban quản trị.
đ) Bầu Ban kiểm soát và Trưởng Ban kiểm soát trong số thành viên của Ban kiểm soát;
e) Thông qua biên bản hội nghị thành lập hợp tác xã.
Sau khi hội nghị, vai trò của sáng lập viên kết thúc. Việc điều hành Hợp tác xã do Ban quản trị và Ban Chủ nhiệm đảm trách.
Bước 4: Đăng ký kinh doanh
Sau Đại hội, Chủ nhiệm (người đại diện theo pháp luật) Hợp tác xã xúc tiến thực hiện các thủ tục để đăng ký kinh doanh (theo Nghị định số: 87/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ và Thông tư số 05/2005/TT-BKH ngày 15/12/2005 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Hồ sơ đăng ký kinh doanh: gồm các loại sau :
1. Đơn đăng ký kinh doanh;
2. Điều lệ hợp tác xã;
3. Số lượng xã viên, danh sách Ban quản trị, Ban kiểm soát của hợp tác xã;
4. Biên bản đã thông qua tại Hội nghị thành lập hợp tác xã.
Hợp tác xã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh hoặc cấp huyện nơi hợp tác xã dự định đặt trụ sở chính, tuỳ theo điều kiện cụ thể của hợp tác xã.
Người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã sẽ thành lập nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh đã chọn và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đăng ký kinh doanh.
Trong thời hạn mười lăm (15) ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải xem xét hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hợp tác xã; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản;
Hợp tác xã có tư cách pháp nhân và có quyền hoạt động kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; đối với những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện mà hợp tác xã đăng ký hoạt động thì hợp tác xã được kinh doanh những ngành, nghề đó kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh hoặc có đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không đồng ý với quyết định từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ quan đăng ký kinh doanh, người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã sẽ thành lập có quyền khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật.
Read more...