Thăm xã nông thôn mới Vị Thanh

0 nhận xét

Đường về ấp hôm nay.
Về làm việc với Huyện ủy Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quốc Ca nhã ý muốn chúng tôi về thăm xã Vị Thanh - một xã vừa được công nhận xã văn hóa cách đây một năm, đang được Tỉnh ủy, Huyện ủy chọn làm điểm xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2006-2010. Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy thì lý do mà Tỉnh ủy cũng như Huyện ủy chọn xã Vị Thanh làm xã điểm xây dựng xã nông thôn mới (NTM) không phải vì có nhiều điều kiện thuận lợi hơn các xã, phường, thị trấn khác mà vì đây là xã có vị trí ở cửa ngõ Bắc kênh xáng Xà No. Các điều kiện về cơ sở hạ tầng, dân sinh, văn hóa cũng như các tiêu chí để xây dựng xã NTM còn thấp. Tất nhiên, tỉnh, huyện sẽ đầu tư thêm, nhưng Tỉnh ủy cũng như Huyện ủy khẳng định Đảng bộ và nhân dân xã Vị Thanh có thể tự vươn lên bằng nội lực và chắc chắn sẽ thực hiện thành công.

Chạy dọc theo Tỉnh lộ 932, xã Vị Thanh nằm giữa hai bên dòng kênh xáng Xà No. Đây là xã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 2008, xã Vị Thanh được công nhận xã văn hóa. Tiếp chúng tôi tại trụ sở xã, Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Chính và Chủ tịch xã Huỳnh Văn Trắng cho biết: “Cách đây vài năm, ngoài con đường nhựa của Tỉnh lộ 932 chạy ngang qua 3 ấp của xã, còn lại 4 ấp bên bờ Bắc dòng kênh xáng Xà No, đường đi lại cũng như mức đầu tư vào các công trình hạ tầng như: điện, nước sạch, đường đi lại, trường học,... còn nhiều khó khăn. Đây là xã nông nghiệp trong đó tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu còn lớn nhưng có nhiều khả năng tăng sản lượng nhờ vào nguồn nước ngọt quanh năm. Bà con lại có nhiều kinh nghiệm sản xuất lúa đặc sản; có diện tích vườn đã được cải tạo thành vườn cây ăn trái đặc sản; có phong trào nuôi cá thát lát, cá rô đồng mang lại lợi nhuận cao”. Tính từ sau ngày giải phóng đến nay, xã, huyện chú trọng vận động nhân dân ra sức làm thủy lợi nội đồng dẫn nước ngọt vào đồng ruộng, nhờ đó mà từ sản xuất độc canh cây lúa của những năm đầu sau giải phóng, đến nay, xã đã sản xuất 3 vụ lúa tạo ra sản lượng hơn 24.166 tấn. Năng suất bình quân của cả 3 vụ đạt 5,58 tấn/ha. Trên địa bàn xã cũng được huyện đầu tư một trạm bơm điện và một trạm bơm dầu phục vụ sản xuất. Toàn xã xây dựng 21 mô hình sản xuất lúa kết hợp với nuôi cá, trồng cây ăn trái đặc sản thu nhập mỗi năm từ 50-70 triệu đồng. Cá biệt có hộ thu nhập trên 100 triệu đồng/ha.
 

Trạm cấp nước liên xã.

Trong quá trình phát triển, xã chú trọng phát động nhân dân cùng với Nhà nước làm giao thông nông thôn, trong đó nhân dân đầu tư làm nền hạ, Nhà nước đầu tư mặt nền đường từ 2-3 m. Đến nay, 7/7 ấp đều có đường bê-tông đảm bảo thông xe gắn máy đến khắp các ấp với chiều dài đường nông thôn hơn 33 km. 100% cầu trên tuyến lộ chính cũng đã hoàn thành. Tổng nguồn vốn đầu tư làm giao thông nông thôn gần 5 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 50%. Ông Nguyễn Văn Bảo, 69 tuổi, cựu chiến binh ở ấp 7B1, tâm sự: “Tôi sinh ra, lớn lên ở xã Vị Thanh, đi kháng chiến rồi phục viên trở về sinh sống tại địa phương, đã chứng kiến cảnh khốn khó của những năm khi còn chiến tranh. Cho đến sau hòa bình lập lại rất lâu, nhờ có phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm, dân đóng góp làm nền hạ, Nhà nước đảm nhận thi công phần đổ bê-tông, nay người dân có đường bê-tông chạy dài suốt các ấp, không còn cảnh lội bì bõm, đi lại vất vả trong những tháng mưa dầm”. Ông Bảo nói tiếp: “Ngày trước, muốn đi từ nhà ra huyện hoặc lên tỉnh, dù chỉ cách xa hơn chục cây số nhưng đi lại phải lụy đò. Có khi ý định đi ra chợ nhưng không quá giang được đò nên đành ở nhà vậy!”.

Trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; đặc biệt là xây dựng xã NTM giai đoạn 2006-2010, xã đã thực hiện tốt quy chế dân chủ, đưa ra dân bàn bạc, thảo luận và thống nhất chỉ tiêu của 13 tiêu chí của xã NTM. Các kế hoạch xây dựng, các khoản đóng góp của dân đều được dân thảo luận, thống nhất, không có trường hợp o ép. Việc xây tặng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, cấp sổ hộ nghèo, cấp thẻ bảo hiểm y tế, công nhận hộ thoát nghèo, đưa quân,... đều đưa ra dân bình nghị, biểu quyết. Nhân dân còn được tạo điều kiện tham gia đóng góp vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; đóng góp vào các văn kiện của Đảng, Mặt trận và các đoàn thể; tham gia giám sát hoạt động của đại biểu dân cử, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt của xã, ấp và được giao quyền quản lý, giám sát các nguồn quỹ huy động từ sức dân, nhờ đó hạn chế tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền với dân. Chính nhờ phát huy quyền dân chủ của dân nên trong cuộc vận động nhân dân và Nhà nước cùng làm giao thông nông thôn, bà con tự giác đốn cây trái, hoa màu trên phần đất đảm bảo tiến độ thi công. Ông Lê Hồng Hải ở ấp 7B1, tuy con đông, nhưng cũng đã mạnh dạn hiến hơn 800 m2 đất cho xã làm công trình trạm bơm nước liên xã. Trước đó, ông cũng đã hiến 120 m2 để cất nhà tình thương cho một hộ nghèo trong ấp. Hiện nay, trên địa bàn xã Vị Thanh có 2 trạm cấp nước công suất 80 m3/h, cung cấp nước sạch cho hơn 1.200 hộ sử dụng. Bà Ngô Thị Rong, ở ấp 7A1, hết sức vui mừng khi được đăng ký sử dụng nước sạch. Bà thổ lộ: “Mấy năm gần đây, nguồn nước từ kênh xáng Xà No ngày càng ô nhiễm nhưng ngoài nguồn nước mưa dự trữ cho ăn uống, không có nguồn nước nào khác nên cứ múc nước kênh xáng lên xài. Nay được hệ thống nước sạch dẫn đến tận nhà, còn sung sướng nào bằng!”, Hiện nay, công tác xã hội hóa giáo dục, y tế được phát động nhân dân cùng tham gia. Bà con đã góp công sức, vật chất xây dựng trường lớp nên đến năm 2008 không còn phòng học tre lá tạm bợ. Tỷ lệ học sinh đến trường ngày càng cao, trong đó tỷ lệ huy động học sinh tiểu học đạt 92,15%, học sinh trung học cơ sở đạt 120,8% và trung học phổ thông đạt gần 70%. Trên địa bàn xã cũng được huyện hình thành tổ y tế đảm bảo thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành việc dừng lại ở hai con nên trong xã không có trường hợp sinh con thứ ba. Cũng từ khi xã Vị Thanh xây dựng mô hình NTM, tỉnh, huyện, xã cùng với nhân dân đầu tư gần 100 tỉ đồng làm đường giao thông, bắc 30 cây cầu tạo điều kiện đi lại thuận tiện; xây dựng trường học; kéo điện cho hộ nghèo; thi công 2 trạm cấp nước; xây dựng chợ; trạm y tế khu vực; khu dân cư vượt lũ;...
 
Chủ tịch xã Huỳnh Văn Trắng nhận định: Tuy được công nhận là xã nông thôn mới, cơ bản đạt 13 tiêu chí của xã nông thôn mới, song để hoàn thiện hơn, xã còn phải nỗ lực nhiều. Một số tiêu chí chưa đạt như: Tỷ lệ hộ nghèo; thu nhập bình quân/đầu người; tốc độ tăng dân số; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, đào tạo nghề;... cần được quan tâm chỉ đạo và đầu tư. Từ nay đến năm 2010, chuẩn bị tổng kết mô hình xã nông thôn mới, để phấn đấu hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%, người dân cần được các ngân hàng thương mại cho vay 2,5 tỉ đồng để phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Ngoài ra, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần đầu tư đúng mức để người lao động sau khi được đào tạo, ngoài việc được giới thiệu việc làm ở các cơ sở sản xuất còn có thể tự tạo việc làm. Tỉnh, huyện cần tạo điều kiện phát triển các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

Chủ tịch xã Huỳnh Văn Trắng gắn bó với quê hương Vị Thanh, cho biết: “Xã giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo nhờ chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và bộ đội xuất ngũ. Trong 2 năm qua, xã đã gửi đào tạo nghề cho 532 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 22%. Nhiều người đã tự tạo việc làm đảm bảo có thu nhập ổn định hàng ngày. Nét đặc biệt là từ khi thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng NTM, bà con ý thức được việc giữ gìn trật tự, an ninh, vệ sinh môi trường, làm sạch cỏ, phát quang thông thoáng, dẹp cầu tiêu trên sông, rạch,... làm chuyển biến bộ mặt nông thôn”. Hiện nay, trước mỗi nhà đều có hàng rào, cột cờ khang trang. Mỗi nhà đều có hố xử lý rác, nhà tắm, nhà vệ sinh, thực hiện tốt các quy định của ngành y tế về vệ sinh phòng dịch. Các thiết chế văn hóa được tăng cường, trong đó tất cả 7 ấp đều có nhà thông tin. Đến nay, toàn xã đã công nhận 2.018/2.172 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, đạt 93% số hộ. Toàn xã không còn hộ đói. Tỷ lệ hộ nghèo từ 25% giảm xuống còn 14%. Thu nhập bình quân đạt 10 triệu đồng/người/năm.

Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Chính khẳng định: “Sơ kết 2 năm thực hiện nghị quyết về xây dựng Vị Thanh thành xã NTM, chúng tôi đạt 9/13 tiêu chí. Xã đang phấn đấu đến năm 2010, đạt đủ 13 tiêu chí và phấn đấu đạt 19 tiêu chí theo quy định của Chính phủ về bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Đảng bộ và nhân dân xã Vị Thanh đang phấn đấu thực hiện những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong chuyến về thăm hồi tháng 5 mới đây là luôn đoàn kết, tạo sự nhất trí cao, sự đồng thuận từ trong nội bộ đến nhân dân để thực hiện chương trình, chính sách an sinh xã hội; tạo dựng mối quan hệ tình làng nghĩa xóm tốt đẹp; từng bước nâng cao trình độ dân trí, góp phần đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa, điện khí hóa, thủy lợi”.

Leave a Reply

 
Cả nhà thương nhau © 2011 DheTemplate.com & Main Blogger. Supported by Makeityourring Diamond Engagement Rings

You can add link or short description here