Chăn nuôi dê sinh sản, dê thịt dưới tán rừng sao”

0 nhận xét
Huyện Châu Đức là một trong những huyện thuần nông của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đời sống nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, phụ thuộc chủ yếu vào các loại cây công nghiệp và hoa màu như cà phê, tiêu, điều, bắp, đậu, khoai mì... Từ khi có dự án chăn nuôi: “Xây dựng mô hình nông-lâm kết hợp phát triển chăn nuôi dê sinh sản, dê thịt dưới tán rừng sao”, nhiều hộ gia đình nhờ đó mà thoát nghèo...

Sơn Bình là một xã vùng sâu vùng xa của huyện Châu Đức, mới thành lập trên cơ sở chia tách từ xã Xuân Sơn. Toàn xã có trên 2.000 ha đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp chiếm gần 90% diện tích rất phù hợp cho sự phát triển của các loại cây công nghiệp, hoa màu... Là một trong những xã nghèo nhất huyện, trong nhiều năm qua, xã Sơn Bình đã được các ngành, các cấp quan tâm trợ giúp thông qua nhiều chính sách như: Xóa đói ghim nghèo, hỗ trợ vay vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao... Tuy nhiên, về cơ bản lâu dài để giúp người dân xã Sơn Bình ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất, Phòng Địa chính - Nông nghiệp huyện Châu Đức đã nghiên cứu và quyết định chọn xã làm nơi thí điểm thực hiện dự án "Xây dựng mô hình chăn nuôi dê sinh sản, thịt dưới tán rừng sao". Thôn Xuân Trường là nơi được chọn làm nơi thí điểm của xã nhờ có một diện tích rừng sao phòng hộ khá lớn gần 100 ha. Dự án này rất cần thiết và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của xã Sơn Bình. Sau hơn 2 năm thực hiện, mô hình dự án này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân nghèo đã vươn lên khá giả... Nhờ biết cách vận dụng các tiền bộ khoa học kỹ thuật, bà con chăn nuôi dê đã không ngừng tăng số lượng dê để có thu nhập ổn định.


Hiện nay, xã Sơn Bình là nơi cung cấp các loại dê thịt, giống cho các địa phương trong huyện, tỉnh và là nơi cung cấp dê giống chủ yếu cho nhiều tỉnh ĐBSCL, Đồng Nai... Với giá dê hiện nay đang tăng cao, một con dê giống có giá dao động 10-14 triệu, một ký dê thịt trên 30-35 ngàn nhưng xã Sơn Bình vẫn không đủ nguồn dê giống, thịt để cung cấp cho thị trường. Ông Thân Xuân Động - cán bộ Phòng Địa chính - Nông nghiệp huyện Châu Đức, Chủ nhiệm dự án này cho biết: “Tôi đã đi nhiều nơi và tìm hiểu nhiều mô hình chăn nuôi dê ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận... tôi nhận thấy huyện Châu Đức rất thích hợp cho việc chăn nuôi dê thịt, sinh sản. Mới đầu thực hiện dự án này tôi lo lắng rất nhiều vì sợ nếu “bể” sẽ không biết lấy tiền đâu mà trả cho Nhà nước. Bây giờ dự án thực hiện xong và mang lại kết quả khá cao, nhiều gia đình nhờ đó mà thoát nghèo, vươn lên khá... làm tôi rất bất ngờ. Hiện nay, dự án này sắp được nhân rộng ra các huyện khác trong tỉnh thông qua con đường chuyển giao công nghệ”. Anh Nguyễn Văn Minh cư ngụ tại thôn Xuân Trường đang làm chủ một đàn dê trên 30 con bày tỏ sự vui mừng: “Gia đình tôi trước đây nghèo lắm, không có một mảnh đất để làm rẫy, nhà cửa thì nhìn trước thấy sau. Từ khi mô hình này được thí điểm tại đây, gia đình tôi mạnh dạn vay tiền Nhà nước rồi mua vài con dê nuôi thử thấy có thu nhập cao, thế là vợ chồng tôi tích vốn mua thêm mấy con nữa. Cứ thế đàn dê tăng dần, gia đình tôi đã bán đi gần chục con rồi... Bây giờ, kinh tế gia đình đã ổn định, mua được nhiều thứ trong gia đình”. Anh Minh không ngần ngại khoe: “Bây giờ trong tay có trăm triệu đồng muốn mua đất cũng được...”. Không riêng gì gia đình anh Minh, mà có nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Sơn Bình thuộc diện xóa đói giảm nghèo nhờ vào mô hình chăn nuôi dê thịt, sinh sản đã thoát nghèo và trở nên khá giả. Một cán bộ xã Sơn Bình cho biết: “Không có một cái xã nào của huyện Châu Đức lại nghèo như xã Sơn Bình, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào những cây bắp, đậu, khai mì... Nhưng khi mô hình chăn nuôi này được triển khai và được bà con nghèo hưởng ứng thì số hộ nghèo của địa phương đã giảm hẳn. Tuy nhiên, còn nhiều hộ nghèo muốn mua dê giống nuôi nhưng không có điều kiện, chính vì thế Phòng Địa chính-Nông nghiệp huyện cần phải có biện pháp hỗ trợ vốn, cung cấp dê giống với điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển, vượt khó”.
Có thể thấy, mô hình chăn nuôi dê sinh sản và dê thịt ở huyện Châu Đức đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và cải thiện được cuộc sống của nhiều hộ gia đình nghèo. Một số gia đình đã biết áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ vào chăn nuôi dê nên đã thoát nghèo vươn lên giàu có. Ngoài ra, mô hình chăn nuôi dê còn có tác dụng rất lớn đến chương trình xóa đói giảm nghèo và tăng số lượng đàn dê của huyện lên rất nhiều, đồng thời là làm tăng thêm nguồn thu nhập của người dân. Tuy nhiên, một số hộ gia đình nghèo không có điều kiện mua con giống vì giá giống quá đắt. Để tăng số lượng đàn dê, cải thiện đời sống của người dân, Phòng Địa chính-Nông nghiệp huyện Châu Đức, chính quyền địa phương cần phải tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi dê và tạo mọi điều kiện tốt nhất để cho các hộ dân nghèo có điều kiện vay vốn chăn nuôi.
Thanh Long
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)

Leave a Reply

 
Cả nhà thương nhau © 2011 DheTemplate.com & Main Blogger. Supported by Makeityourring Diamond Engagement Rings

You can add link or short description here