HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 40/2009/NĐ-CP

0 nhận xét

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 68/2009/TT-BNNPTNT
Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2009

THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 40/2009/NĐ-CP NGÀY 24/4/2009 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THÚ Y
Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 40/2009/NĐ-CP ngày 24/4/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chi tiết một số Điều của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP ngày 24/4/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y như sau:

Chương 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Thông tư này hướng dẫn chi tiết về hình thức, thời hiệu, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính (viết tắt là VPHC) trong lĩnh vực thú y và một số hành vi VPHC trong lĩnh vực thú y.
2. Đối tượng áp dụng:
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến lĩnh vực thú y trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 2. Áp dụng quy định của các Nghị định có liên quan trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y
1. Khi xử phạt VPHC trong lĩnh vực thú y, người có thẩm quyền xử phạt phải áp dụng hình thức, mức xử phạt quy định tại Nghị định số 40/2009/NĐ-CP ngày 24/4/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (sau đây gọi là Nghị định số 40/2009/NĐ-CP). Trong trường hợp hành vi VPHC không được quy định tại Nghị định số 40/2009/NĐ-CP thì mới áp dụng hình thức, mức phạt quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.
2. Việc xử phạt các hành vi vi phạm quy định về hàng hóa cấm kinh doanh; kinh doanh hàng hóa nhập lậu; vi phạm quy định về nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng giả; kinh doanh tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả; kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng được thực hiện theo quy định tại các Điều 18, 22, 23, 24, 25, 26 của Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/01/2008 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong hoạt động thương mại (sau đây gọi là Nghị định số 06/2008/NĐ-CP).
3. Việc xử phạt các hành vi VPHC liên quan đến đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa, người có thẩm quyền xử phạt được áp dụng các quy định tại Nghị định số 54/2009/NĐ-CP ngày 05/6/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
4. Ngoài các Nghị định nêu tại các khoản 2, 3 Điều này, người có thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực thú y có quyền áp dụng hình thức, mức xử phạt quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.
Điều 3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt VPHC trong lĩnh vực thú y là một năm, kể từ ngày VPHC được thực hiện, tức là ngày hành vi VPHC được phát hiện và người có thẩm quyền lập biên bản VPHC theo quy định của pháp luật đối với người vi phạm.
2. Các hành vi VPHC liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật, thuốc thú y; sản xuất, kinh doanh thuốc thú y giả thì thời hiệu xử phạt là hai năm, bao gồm:
a) Hành vi vi phạm quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam được quy định tại Điều 14 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP;
Hành vi vi phạm quy định về nhập khẩu thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y được quy định tại Điều 20 của Nghị định 40/2009/NĐ-CP;
Hành vi kinh doanh thuốc thú y giả được quy định tại khoản 7 Điều 24 của Nghị định số 06/2008/NĐ-CP.
Chương 2
CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THÚ Y
Điều 4. Các hình thức xử phạt chính
1. Hình thức phạt cảnh cáo:
a) Hình thức phạt cảnh cáo chỉ được áp dụng đối với các hành vi VPHC mà Nghị định số 40/2009/NĐ-CP quy định hình thức phạt cảnh cáo đối với hành vi đó và khi có các tình tiết giảm nhẹ như VPHC lần đầu, có quy mô nhỏ, không đáng kể; VPHC do lạc hậu, không hiểu biết các quy định của pháp luật về hành vi vi phạm đó.
VPHC lần đầu trong lĩnh vực thú y là trường hợp tổ chức, cá nhân trước đó chưa bị xử phạt VPHC trong lĩnh vực thú y hoặc đã bị xử phạt VPHC trong lĩnh vực thú y nhưng đã quá một năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt VPHC hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm.
b) Khi xử phạt các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 9, khoản 1 Điều 17, khoản 1 Điều 24, khoản 1 Điều 27 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP, người có thẩm quyền xử phạt căn cứ mức độ VPHC, nhân thân người vi phạm để áp dụng hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền.
2. Hình thức phạt tiền:
a) Phạt tiền được áp dụng theo khung tiền phạt được quy định đối với hành vi VPHC đó.
b) Trong lĩnh vực thú y, mức phạt tiền được quy định từ 50.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một hành vi VPHC.
Điều 5. Các hình thức phạt bổ sung
1. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để VPHC là hình thức xử phạt bổ sung, được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thú y, các trường hợp cụ thể bị áp dụng tịch thu tang vật, phương tiện được quy định tại Nghị định số 40/2009/NĐ-CP.
Trong khi thực hiện xử phạt VPHC, người có thẩm quyền xử phạt không được tùy tiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện VPHC nếu Nghị định của Chính phủ không quy định.
2. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực thú y là hình thức xử phạt bổ sung, được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng quy định sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được áp dụng có thời hạn hoặc không có thời hạn và được quy định đối với hành vi VPHC cụ thể, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm đó.
3. Ngoài các hình thức xử phạt chính, hình thức phạt bổ sung đã nêu trên, tổ chức, cá nhân VPHC còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 40/2009/NĐ-CP.
Các biện pháp khắc phục hậu quả phải áp dụng kèm theo hình thức phạt chính, trừ trường hợp người có thẩm quyền xử phạt VPHC để quá thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 56 của Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 2002. Trong trường hợp không ra quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền xử phạt vẫn có thể áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 40/2009/NĐ-CP đối với người VPHC.
Tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu mọi chi phí để thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.
Chương 3
MỘT SỐ HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THÚ Y
Điều 6. Hành vi vi phạm quy định về phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh cho động vật
1. Vi phạm quy định về phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật trên cạn:
a) Hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP được hiểu là hành vi không tuân thủ các quy định về điều kiện vệ sinh thú y, khai báo dịch bệnh, tiêm phòng, kiểm dịch động vật, chẩn đoán bệnh quy định tại bản Quy định vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật được ban hành kèm theo Quyết định số 66/2008/QĐ-BNN ngày 26/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều 9 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP được hiểu là hành vi vứt, bỏ động vật bị mắc bệnh, bị chết vì bệnh ra môi trường, ao, hồ, kênh, rạch, sông, ngòi hay các nguồn nước tự nhiên khác mà không thực hiện tiêu hủy theo đúng quy định. Việc xác định động vật bị mắc bệnh, bị chết vì bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được căn cứ vào kết quả chẩn đoán lâm sàng của nhân viên thú y, cơ quan thú y có thẩm quyền được tiến hành tại địa điểm VPHC mà không cần có kết quả xét nghiệm phi lâm sàng.
2. Vi phạm quy định về chống dịch bệnh cho động vật trên cạn:
a) Hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP được hiểu là hành vi sử dụng phương tiện vận chuyển không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y để vận chuyển động vật đi giết mổ bắt buộc, có khả năng làm rơi, vãi thức ăn, chất thải của động vật trên đường đi hoặc vận chuyển động vật mắc bệnh dịch từ phương tiện vận chuyển đã được cơ quan thú y có thẩm quyền kiểm tra, chấp thuận sang phương tiện chưa được kiểm tra, vệ sinh, tiêu độc hoặc tự ý dừng đỗ phương tiện vận chuyển không đúng nơi quy định, để động vật mắc bệnh tiếp xúc với động vật khỏe mạnh khác trên đường đến nơi giết mổ được chỉ định.
b) Hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 10 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP được hiểu là hành vi sử dụng xe không phải là xe chuyên dụng để vận chuyển động vật hoặc sử dụng xe chuyên dụng nhưng không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y theo quy định hoặc không thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc phương tiện sau vận chuyển động vật hoặc nơi giết mổ không đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, không thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau giết mổ theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
c) Hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 3 Điều 10 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP bao gồm các hành vi sau đây:
Giết mổ, xử lý động vật, xác động vật mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh phải công bố dịch không đúng địa điểm được chỉ định, không theo đúng quy định;
Không chôn, đốt động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh; xác động vật chết vì bệnh mà theo quy định phải tiêu hủy hoặc chôn không đúng độ sâu, không đúng kỹ thuật, nơi chôn gần các nguồn nước tự nhiên, nước sinh hoạt;
Không xử lý nơi chôn, đốt động vật theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y có thẩm quyền.
Điều 7. Hành vi vi phạm quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y
1. Vi phạm quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn lưu thông trong nước:
Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP là hành vi vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật thuộc Danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhưng chủ hàng hoặc người điều khiển phương tiện vận chuyển không xuất trình được Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật do cơ quan thú y có thẩm quyền cấp.
Trong trường hợp hành vi vi phạm này xảy ra tại thời điểm có bất kỳ một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong phạm vi cả nước đang công bố có dịch bệnh trên loài động vật đó thì người có thẩm quyền xử phạt VPHC phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật nếu chủ hàng không chứng minh được nguồn gốc của động vật, sản phẩm động vật, cụ thể là không xuất trình được giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã về nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật.
2. Hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP là hành vi vận chuyển con giống thủy sản ra khỏi cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống mà không được cơ quan thú y có thẩm quyền kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Trong trường hợp con giống thủy sản đã được kiểm dịch thì chủ hàng khi bán con giống phải cung cấp bản photo giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan thú y có thẩm quyền cấp cho người mua.
3. Vi phạm quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu, nhập khẩu, tạm xuất tái nhập, tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.
a) Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP là hành vi cá nhân mang theo người, hành lý các loại động vật, sản phẩm động vật với khối lượng, số lượng vượt quá khối lượng, số lượng cho phép; sản phẩm có nguồn gốc từ động vật mà chưa qua chế biến công nghiệp; động vật, sản phẩm động vật thuộc loại luật pháp quốc tế cấm lưu thông, vận chuyển hoặc không xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ do cơ quan thú y quốc gia nước xuất khẩu cấp.
b) Hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 14 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP là hành vi không xuất trình được với cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu bộ hồ sơ kiểm dịch hợp lệ đối với lô hàng hóa đó.
Một bộ hồ sơ kiểm dịch không hợp lệ có thể là:
Thiếu giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc có giấy chứng nhận kiểm dịch nhưng thiếu chữ ký; có giấy chứng nhận kiểm dịch nhưng nội dung không đúng với thực tế về loài, số lượng động vật hoặc các thông tin về sản phẩm động vật như ngày sản xuất, hạn sử dụng…; nội dung bị tẩy xóa, sửa chữa; sử dụng giấy chứng nhận kiểm dịch không do cơ quan thú y có thẩm quyền cấp; thiếu một trong các giấy tờ khác có liên quan đến việc xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu quá cảnh lãnh thổ Việt Nam đối với lô hàng hóa đó.
c) Hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 3 Điều 14 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP là các hành vi:
Để động vật đang trong thời gian cách ly kiểm dịch tiếp xúc với các động vật nội địa khác;
Xuất bán, sử dụng làm giống động vật, sản phẩm động vật chưa hết thời gian cách ly kiểm dịch;
Không tiêm phòng các bệnh thuộc Danh mục các bệnh phải tiêm phòng đối với động vật trong thời gian cách ly kiểm dịch;
Không chấp hành việc lấy mẫu xét nghiệm bệnh của cơ quan thú y có thẩm quyền;
Không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y trong thời gian cách ly kiểm dịch.
d) Hành vi vi phạm quy định tại khoản 8 Điều 14 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân đưa vào lãnh thổ của Việt Nam khi chưa có văn bản đồng ý của Cục Thú y và không thực hiện kiểm dịch đối với các loại hàng hóa, vật phẩm sau:
Các loại bệnh phẩm để phục vụ cho công tác xét nghiệm, chẩn đoán bệnh hoặc sử dụng cho các mục đích khác;
Các đối tượng thuộc Danh mục đối tượng kiểm dịch, bao gồm vi sinh vật, ký sinh trùng gây bệnh động vật, vi sinh vật gây ô nhiễm, các hóa chất độc hại, các đối tượng khác được quy định tại Quyết định số 45/2005/QĐ-BNN ngày 25/7/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
e) Hành vi giết mổ động vật, sơ chế sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 15 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP là hành vi giết mổ động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc không có giấy xác nhận nguồn gốc của thú y xã hoặc không có giấy chứng nhận tiêm phòng của cơ quan thú y ở địa phương; sơ chế sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu hoặc không có tem vệ sinh thú y của cơ quan thú y, cơ quan kiểm dịch có thẩm quyền.
g) Hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 16 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh động vật thủy sản, sản phẩm động vật tươi sống mà kết quả kiểm tra của cơ quan thú y có thẩm quyền cho thấy bị nhiễm khuẩn hoặc có chất tồn dư vượt quá giới hạn cho phép.
Tùy từng trường hợp, người có thẩm quyền xử phạt có thể cho phép chuyển mục đích sử dụng như làm thức ăn chăn nuôi đối với động vật thủy sản, sản phẩm động vật tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc có chất tồn dư quá giới hạn cho phép. Việc xử lý đối với sản phẩm động vật không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm phải theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 8. Hành vi vi phạm quy định về quản lý thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y, thú y thủy sản (sau đây gọi chung là thuốc thú y)
1. Hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 18 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP là hành vi sản xuất một lô thuốc thú y có chỉ tiêu về lý, hóa, vi sinh, hàm ẩm không đạt hoặc một hoặc nhiều thành phần của thuốc có hàm lượng thực tế thấp hơn hoặc vượt quá sai số cho phép về hàm lượng mà cơ sở đã đăng ký với cơ quan thú y có thẩm quyền khi đăng ký lưu hành hoặc tự công bố theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.
2. Hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều 19 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP là hành vi kinh doanh một loại thuốc thú y có chỉ tiêu về lý, hóa, vi sinh, hàm ẩm không đạt hoặc có một hoặc nhiều hoạt chất có hàm lượng thực tế thấp hơn hoặc vượt quá mức sai số cho phép mà cơ sở sản xuất đã đăng ký với cơ quan thú y có thẩm quyền khi đăng ký lưu hành sản phẩm hoặc công bố trên nhãn thuốc.
3. Hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 20 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP là hành vi tổ chức, cá nhân nhập khẩu một lô thuốc, nguyên liệu làm thuốc thú y có chỉ tiêu về lý, hóa, vi sinh, hàm ẩm không đạt hoặc một hoặc nhiều thành phần của thuốc có hàm lượng thực tế thấp hơn hoặc vượt quá sai số cho phép về hàm lượng mà cơ sở đã đăng ký với cơ quan thú y có thẩm quyền khi đăng ký lưu hành sản phẩm hoặc công bố trên nhãn thuốc.
4. Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân thông tin, quảng cáo trên nhãn thuốc, trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng như báo chí, đài phát thanh truyền hình Trung ương hoặc địa phương, pano quảng cáo, tờ rơi, tờ bướm..với những nội dung không đúng về thành phần, công dụng, công hiệu, chức năng hoặc về chất lượng của thuốc đã đăng ký.
5. Hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 23 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP là hành vi sản xuất, nhập khẩu thuốc thú y thuộc loại hàng hóa phải công bố chất lượng hợp chuẩn, hợp quy theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nhưng cơ sở sản xuất, nhập khẩu chưa thực hiện công bố hợp chuẩn, hợp quy hoặc thuốc thú y không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng mà đã tự ý sử dụng tem hợp chuẩn, hợp quy trên sản phẩm hoặc thông tin, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, đài phát thanh truyền hình, tờ rơi, tờ bướm..là đã công bố hợp chuẩn, hợp quy.
Điều 9. Hành vi vi phạm các quy định khác trong lĩnh vực thú y
1. Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 6, điểm a khoản 8 Điều 24 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP là hành vi của người được cấp chứng chỉ hành nghề có các hoạt động hành nghề thú y khác với lĩnh vực chuyên môn đã được quy định trong chứng chỉ hành nghề do cơ quan thú y có thẩm quyền cấp.
2. Hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5, điểm a khoản 7, điểm a khoản 9 Điều 24 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP là hành vi tự ý thêm vào, xóa bỏ, làm thay đổi nội dung ban đầu của chứng chỉ hành nghề do cơ quan thú y có thẩm quyền cấp.
3. Hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 5, điểm c khoản 7, điểm b khoản 9 Điều 24 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP là hành vi kê khai, khai báo gian dối, không trung thực các thông tin về bằng cấp chuyên môn, trình độ chuyên môn, cung cấp bản sao các loại giấy chứng nhận, văn bằng không phải là bản sao do cơ quan có thẩm quyền cấp, chứng thực để được cấp mới hoặc cấp gia hạn chứng chỉ hành nghề thú y.
4. Hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 5, điểm d khoản 7, điểm d khoản 9 Điều 24 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP là hành vi của cá nhân sử dụng chứng chỉ hành nghề không phải do cơ quan thú y có thẩm quyền cấp để hành nghề.
Chương 4
THẨM QUYỀN XỬ PHẠT, TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Điều 10. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
1. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt VPHC được thực hiện theo quy định tại Điều 42 của Pháp lệnh xử lý VPHC, Điều 15 của Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16/12/2008 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định 128/2008/NĐ-CP) Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý VPHC năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý VPHC năm 2008 và quy định tại các Điều 29, 30, 31 của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP.
2. Trong trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi VPHC trong lĩnh vực thú y thì thẩm quyền xử phạt được xác định như sau:
a) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của chức danh được quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 29 Nghị định 40/2009/NĐ-CP thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc chức danh đó.
b) Trong trường hợp mức tiền phạt, trị giá tang vật phương tiện bị tịch thu hoặc một trong các hình thức xử phạt hoặc biện pháp khắc phục hậu quả không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền của mình thì người đang thụ lý vụ việc vi phạm phải kịp thời chuyển vụ việc đó đến người có thẩm quyền xử phạt.
3. Chánh thanh tra Chi cục Thú y cấp tỉnh, Chánh thanh tra Cục Thú y có thẩm quyền xử phạt VPHC đối với những hành vi vi phạm được phát hiện trong khi thi hành công vụ và xử lý các vụ VPHC do thanh tra viên chuyên ngành thú y hoặc cán bộ thú y chuyển hồ sơ theo quy định của pháp luật.
4. Khi áp dụng hình thức tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề thú y, người có thẩm quyền xử phạt VPHC thu giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề và ghi rõ trong quyết định xử phạt. Trong thời hạn 03 (ba) ngày, kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt VPHC, người có thẩm quyền xử phạt thông báo với cơ quan đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề về việc áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân vi phạm.
5. Khi áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện VPHC, thanh tra viên chuyên ngành thú y đang thi hành công vụ có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để VPHC có giá trị đến 2.000.000 đồng theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 29 của Nghị định 40/2009/NĐ-CP. Trị giá của tang vật, phương tiện VPHC được xác định dựa trên giá trị thực tế của tang vật, phương tiện tại thời điểm, nơi xảy ra VPHC.
Điều 11. Biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện nhằm ngăn chặn vi phạm hành chính:
1. Thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC:
a) Những người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC trong lĩnh vực thú y bao gồm các chức danh được quy định tại Điều 46 của Pháp lệnh xử lý VPHC.
b) Thanh tra viên chuyên ngành thú y đang thi hành công vụ được quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC trong trường hợp có căn cứ cho rằng nếu không tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC ngay thì tang vật, phương tiện VPHC có thể bị tẩu tán, tiêu hủy. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải báo cáo cho thủ trưởng trực tiếp của mình là một trong những người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và được sự đồng ý bằng văn bản của người đó. Trong trường hợp không được sự đồng ý của các chức danh quy định tại điểm a, khoản 1 Điều này thì người ra quyết định tạm giữ phải hủy ngay quyết định tạm giữ và trả lại tang vật, phương tiện đã bị tạm giữ. Khi trả lại tang vật, phương tiện VPHC, người có thẩm quyền phải ra quyết định theo mẫu tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư này.
2. Chỉ tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC khi thấy thật cần thiết để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hoặc để phòng ngừa hậu quả xấu có thể xảy ra đối với con người và động vật, cụ thể:
a) Tang vật VPHC là động vật, sản phẩm động vật nghi mắc bệnh, mang mầm bệnh; động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc sản phẩm động vật nghi ngờ không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y; thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y thuộc Danh mục thuốc thú y cấm lưu hành tại Việt Nam, thuốc thú y nghi ngờ được làm giả, làm nhái nhãn mác, hết hạn sử dụng, không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam; các trường hợp cụ thể khác do người có thẩm quyền xử lý VPHC quyết định.
b) Việc áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định. Trường hợp không tuân thủ các quy định, gây ra thiệt hại về vật chất cho người vận chuyển hàng hóa, chủ hàng hóa thì cán bộ, công chức gây ra thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường về vật chất cho người bị thiệt hại.
3. Trình tự thủ tục tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC:
a) Trên cơ sở quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC, người đã ra quyết định phải lập Biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC. Trong biên bản phải ghi đầy đủ các nội dung theo quy định và giao cho người vi phạm một bản. Nếu người vi phạm không ký vào biên bản thì phải ghi rõ lý do. Biên bản phải theo đúng mẫu tại Phụ lục số II ban hành kèm theo Nghị định số 40/2009/NĐ-CP.
b) Người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương hoặc cơ quan có thẩm quyền nơi xảy ra vi phạm bố trí nơi tạm giữ, bảo quản tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ. Trường hợp không bố trí được nơi tạm giữ hoặc không thể di chuyển tang vật, phương tiện VPHC về nơi tạm giữ thì người ra quyết định tạm giữ phải áp dụng các biện pháp để tránh việc người vi phạm tẩu tán tang vật, phương tiện VPHC và có thể yêu cầu chủ phương tiện tự bảo quản, trông coi phương tiện VPHC và tang vật VPHC được chuyên chở, vận chuyển trên phương tiện đó.
c) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC, người ra quyết định tạm giữ phải xử lý tang vật, phương tiện VPHC theo đúng các biện pháp được ghi trong quyết định xử lý. Trong trường hợp không áp dụng biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện VPHC thì phải trả lại cho người vi phạm, chủ sở hữu tang vật, phương tiện VPHC.
4. Việc xử lý đối với tang vật, phương tiện VPHC hết thời hạn bị tạm giữ được thực hiện theo quy định tại Nghị định 70/2006/NĐ-CP ngày 24/7/2006 quy định việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính và Nghị định số 22/2009/NĐ-CP ngày 24/02/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 70/2006/NĐ-CP ngày 24/7/2006 quy định việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.
Điều 12. Trình tự và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính
1. Việc xử phạt VPHC trong lĩnh vực thú y phải tuân theo trình tự, thủ tục được quy định tại Pháp lệnh Xử lý VPHC, Nghị định số 128/2008/NĐ-CP:
a) Khi phát hiện hành vi VPHC trong lĩnh vực thú y, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải đình chỉ ngay hành vi vi phạm. Việc đình chỉ hành vi vi phạm trong lĩnh vực thú y được thể hiện bằng biên bản VPHC. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản VPHC, người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt; đối với vụ VPHC có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt là trong vòng 30 ngày.
b) Người có thẩm quyền xử phạt VPHC áp dụng tình tiết tăng nặng khi ra quyết định xử phạt trong các trường hợp sau đây:
Vi phạm nhiều lần: tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi VPHC trong lĩnh vực thú y nhưng trước đó vi phạm này chưa bị phát hiện, chưa bị xử phạt hoặc chưa hết thời hiệu xử phạt thì được coi là vi phạm nhiều lần trong lĩnh vực thú y.
Tái phạm: tổ chức, cá nhân đã bị xử phạt về một hành vi vi phạm trong lĩnh vực thú y, nhưng chưa hết một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà lại tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực thú y thì áp dụng tình tiết tăng nặng là tái phạm khi ra quyết định xử phạt.
c) Đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực thú y có hình thức phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 200.000 đồng thì sau khi đình chỉ hành vi vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt VPHC có thể xử phạt theo thủ tục đơn giản và ra quyết định xử phạt tại chỗ theo mẫu quy định tại Phụ lục số V, ban hành kèm theo Nghị định số 40/2009/NĐ-CP.
d) Trường hợp người ra quyết định xử phạt VPHC là thanh tra viên chuyên ngành thú y, không có quyền sử dụng con dấu trực tiếp thì quyết định xử phạt phải được đóng dấu của Chi cục Thú y. Dấu được đóng vào góc trên cùng, bên trái tại vị trí ghi tên cơ quan ra quyết định xử phạt VPHC, số và ký hiệu của quyết định xử phạt.
đ) Trường hợp phạt tiền đến 200.000 đồng thì người vi phạm có thể nộp tiền tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt do Bộ Tài chính phát hành, hoặc nộp tiền tại Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt.
Trước khi hết ngày làm việc, người ra quyết định xử phạt phải bàn giao hồ sơ vụ VPHC, biên lai thu tiền phạt VPHC và số tiền phạt cho người có trách nhiệm trong đơn vị để lưu hồ sơ xử phạt VPHC, nộp lại tiền phạt cho Kho bạc Nhà nước.
e) Đối với hành vi vi phạm có mức phạt tiền trên 200.000 đồng thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải lập biên bản VPHC theo đúng mẫu quy định.
g) Trường hợp mức tiền phạt từ 10.000.000 đồng trở lên đối với người vi phạm đang gặp hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế, đồng thời người vi phạm có đơn đề nghị được nộp tiền phạt nhiều lần; đơn đề nghị đã được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người vi phạm cư trú xác nhận hoàn cảnh thì người ra quyết định xử phạt hành chính quyết định bằng văn bản cho phép người vi phạm được nộp tiền phạt nhiều lần theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 27 của Nghị định số 128/2008/NĐ-CP.
Quyết định xử phạt bằng hình thức phạt cảnh cáo, bằng hình thức phạt tiền theo thủ tục đơn giản, biên bản VPHC, quyết định xử phạt VPHC phải đảm bảo ghi đầy đủ các nội dung theo các mẫu Phụ lục được ban hành kèm theo Nghị định 40/2009/NĐ-CP. Quyết định xử phạt VPHC có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành, trừ trường hợp Quyết định có ghi ngày có hiệu lực khác. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải chấp hành quyết định xử phạt.
2. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:
Đối với một số hành vi VPHC được quy định tại Nghị định 40/2009/NĐ-CP, ngoài hình thức xử phạt chính còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.
a) Hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thú y:
Giấy phép là một loại giấy tờ do cơ quan thú y có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân để tổ chức, cá nhân này được phép hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực thú y.
Chứng chỉ hành nghề thú y là một loại giấy tờ do cơ quan thú y có thẩm quyền cấp cho cá nhân để cho phép cá nhân hành nghề về thú y trong một lĩnh vực nhất định.
Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề: tối đa không quá 12 tháng đối với hình thức tước quyền sử dụng có thời hạn và từ 12 tháng trở lên đối với hình thức tước quyền sử dụng không có thời hạn.
Đối với loại giấy phép mà người có thẩm quyền xử phạt VPHC không có thẩm quyền tước quyền sử dụng (ví dụ như Giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch & Đầu tư các tỉnh, thành phố cấp) thì người có thẩm quyền phải có văn bản kiến nghị đồng thời gửi kèm theo hồ sơ vụ việc VPHC đến cơ quan đã cấp phép để xử lý.
Đối với hành vi VPHC mà trong Nghị định 40/2009/NĐ-CP quy định việc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong một khoảng thời gian nhất định (ví dụ từ 03 đến 06 tháng) thì người có thẩm quyền phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm để quyết định thời hạn cụ thể người vi phạm bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Nếu một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm mà các hành vi vi phạm này đều được quy định hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì người có thẩm quyền xử phạt chỉ áp dụng tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề đối với một hành vi vi phạm mà Nghị định số 40/2009/NĐ-CP quy định có thời hạn tước quyền sử dụng dài nhất đối với hành vi này.
b) Tịch thu tang vật, phương tiện VPHC:
Tịch thu tang vật, phương tiện VPHC là hình thức phạt bổ sung, được áp dụng kèm theo hình thức phạt chính. Thủ tục và các trường hợp cụ thể bị áp dụng tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm được quy định tại Nghị định số 40/2009/NĐ-CP và các Nghị định xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác có liên quan.
Khi tịch thu tang vật, phương tiện VPHC, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Không áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện trong trường hợp tang vật, phương tiện bị tổ chức, cá nhân vi phạm chiếm đoạt, sử dụng trái phép mà phải trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, người sử dụng hợp pháp.
c) Các biện pháp khắc phục hậu quả
Biện pháp khắc phục hậu quả là một trong nhiều hình thức xử phạt được áp dụng cùng với hình thức xử phạt chính, nhằm xử lý triệt để vi phạm, loại trừ nguyên nhân, điều kiện tái phạm, khắc phục hậu quả do VPHC gây ra. Việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy tang vật VPHC phải lập hội đồng tiêu hủy và phải lập biên bản tiêu hủy theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Trong lĩnh vực thú y, ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 3, Điều 7 thì Nghị định số 40/2009/NĐ-CP còn quy định một số biện pháp khắc phục hậu quả đặc thù sau đây:
Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở;
Buộc thu hồi thuốc thú y.
Đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 và khoản 4 Điều 17 Nghị định 40/2009/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả là tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở trong trường hợp cần thiết để khắc phục cho đến khi đủ điều kiện vệ sinh thú y theo quy định.
Trường hợp cần thiết được hiểu là các trường hợp mà cơ sở vi phạm nghiêm trọng các quy định về điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh thú y môi trường sản xuất, kinh doanh mà hậu quả có thể gây ảnh hưởng nặng nề hoặc tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân hoặc môi trường sống xung quanh.
Tùy theo mức độ vi phạm, tình trạng vi phạm điều kiện vệ sinh thú y của cơ sở mà người có thẩm quyền xử phạt quyết định thời gian tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở, đồng thời nêu rõ thời điểm cơ sở phải khắc phục hoàn toàn điều kiện vệ sinh thú y để cơ quan thú y có thẩm quyền tiến hành kiểm tra trước khi cho phép cơ sở hoạt động trở lại.
Đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 18, khoản 3 Điều 20 Nghị định 40/2009/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y.
Việc thu hồi thuốc được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2009/TT-BNN ngày 14/01/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thủ tục thu hồi và xử lý thuốc thú y.
Chương 5
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Trách nhiệm thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
2. Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Thanh tra Cục Thú y, Chánh thanh tra Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có vướng mắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời điều chỉnh, bổ sung.


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & PTNT;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Công báo Chính phủ, Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế, Cục Thú y - Bộ NN & PTNT;
- Sở NN & PTNT,Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Lưu: VT, Cục Thú y.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Diệp Kỉnh Tần

Leave a Reply

 
Cả nhà thương nhau © 2011 DheTemplate.com & Main Blogger. Supported by Makeityourring Diamond Engagement Rings

You can add link or short description here