Về phê duyệt Chương trình Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2006 - 2010.

0 nhận xét











Văn bản căn cứ
Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003
Quyết định số 150/2005/QĐ-TTg
Quyết định số 17/2006/QĐ-TTg





ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
 

Số: 97/2006/QĐ-UBND

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

  Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

  Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 7 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Quyết định số 150/2005/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản cả nước đến năm 2010 và tầm nhìn 2020;
Căn cứ Quyết định số 17/2006/QĐ-TTg ngày20 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 225/1999/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 1999 về Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp đến năm 2010;
Xét Tờ trình số 840/TTr-SNN ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố về việc phê duyệt chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Nay phê duyệt Chương trình Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2006 - 2010 (kèm theo quyết định này).
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở - ngành, quận - huyện liên quan và các doanh nghiệp để triển khai chương trình, các dự án cụ thể chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố; xúc tiến thương mại, hợp đồng tiêu thụ nông sản phẩm, chuyển đổi nhanh diện tích cây trồng, vật nuôi hiệu quả thấp sang cây trồng, vật nuôi hiệu quả cao. Xây dựng chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố giai đoạn 2006 - 2010. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, nghiên cứu chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Thương mại, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài gòn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài gòn, Thủ trưởng các cơ quan đoàn thể, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã có sản xuất nông nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


                                                                             TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
                                                                                      KT. CHỦ TỊCH
Nơi nhận :                                                     PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC
- Như điều 4                                                                                      
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;           
- Côc KiÓm tra v¨n b¶n Bé T­ Ph¸p ;     
- Thường trực Thành ủy; 
- Thường trực HĐND thành phố
- TTUB : CT, PCT/TT, ĐT, TM;
- Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Công nghiệp;                       
- Sở Văn hóa và Thông tin; Viện Kinh tế;                                      Nguyễn Thiện Nhân
- Hội Nông dân TP; Hội Liên hiệp Phụ nữ TP;
- Thành Đoàn  TNCS Hồ Chí Minh;                                      
- UBND các Quận-Huyện : 2, 7, 8, 9, 12,
  Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức, Củ Chi,
  Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ.
- VPHĐ-UB : Các PVP;
- Tæ CNN, TH, §T; .
- Lưu:VT, (CNN/ § )  H.







                                                      
  ỦY BAN NHÂN DÂN                CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                      Độc  lập  - Tự  do  -  Hạnh  phúc
                    ______                                  _____________________________                                   



CHƯƠNG  TRÌNH

CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ NÔNG NGHIỆP

THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2006 – 2010

_________
(Ban hành kèm theo Quyết định số  97/2006/QĐ-UBND
ngày  10 tháng 7 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố)

PHẦN I
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU
NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

I.- NHIỆM VỤ :
Tuy ngành nông nghiệp có tỉ trọng rất nhỏ trong cơ cấu GDP của thành phố nhưng nhiệm vụ chính trị phải hoàn thành là tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn, chuyển dịch cơ cấu sản xuất có hiệu quả, bền vững nhằm thu ngắn khoảng cách chênh lệch về thu nhập giửa khu vực ngoại thành với nội thành, giữa thu nhập khu vực I với các khu vực khác.
Trên cơ sở dự báo, đánh giá một số mặt thuận lợi, khó khăn. Nhiệm vụ phát triển nông nghiệp trong thời gian tới là :
1. Xây dựng nền nông nghiệp gắn liền với đặc trưng của một đô thị lớn. Tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy đặc sản; phát triển mạnh các cây con chủ lực theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển theo chiều sâu các mô hình và nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất có hiệu quả như kinh tế trang trại, kinh tế hộ kết hợp sản xuất với kinh doanh. Đa dạng hoá và gắn kết  chặt các hình thức xây dựng thương hiệu, xuất xứ, chất lượng đủ sức cung ứng các đơn hàng nông sản khối lượng lớn.
2. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình giống cây, giống con chất lượng cao phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng và định hình các vùng sản xuất giống, hình thành hệ thống sản xuất giống hợp lý với sự tham gia của các tổ chức và cá nhân thuộc các thành phần kinh tế, gắn nghiên cứu với ứng dụng chuyển giao; gắn chọn giống, tạo giống, bình tuyển giống với thị trường tiêu thụ, thông qua hình thức kiểm định công nhận giá trị cá thể giống. Từng bước hình thành trung tâm giống của khu vực.
3. Quy hoạch, quản lý sử dụng đất nông nghiệp, đầu tư đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng thiết yếu tạo điều kiện thực hiện chuyển đổi diện tích trồng lúa. Tiếp tục đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm thủy sản thành phố ở Nhà Bè, Khu nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm Công nghệ sinh học, trung tâm giao dịch và triển lãm hoa, cây kiểng, rau an toàn ở Củ chi và các dự án thủy lợi trọng điểm.
4. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ, xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, mở rộng phạm vi hoạt động và tăng tỷ trọng tín dụng của hệ thống ngân hàng cho vùng nông thôn. Từng bước hình thành phương thức liên kết sản xuất, kinh doanh nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ - tiêu thụ trên địa bàn nông thôn. Phát triển mạnh các làng nghề truyền thống ở khu vực nông thôn; đặc biệt là những làng nghề gắn du lịch và sản xuất hàng xuất khẩu.
5. Nghiên cứu, thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm huy động các thành phần kinh tế, các chuyên gia thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển công nghệ sinh học, chương trình giống cây, giống con chất lượng cao và nông sản chủ lực của thành phố.
6. Tăng năng suất lao động và thu nhập lao động nông nghiệp và nông thôn ngoại thành; nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên mỗi đơn vị sản xuất.
7. Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn thành phố.
8. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, dịch hại cây trồng. Chú trọng vấn đề xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu và các chất kháng sinh, kích thích tăng trưởng có hại trong nuôi trồng.
9. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc tốt rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, quản lý, bảo vệ tốt khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
II.- MỤC TIÊU :
1. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng từ 5%/năm trở lên, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 bình quân trên 6%/năm. Trong đó : trồng trọt tăng trên 4%/năm, chăn nuôi tăng trên 6%/năm, thủy sản tăng 7 - 8%/năm, các hoạt động dịch vụ nông lâm ngư nghiệp tăng trên 5%/năm.
2. Đến năm 2010, giảm tối đa diện tích cây trồng, vật nuôi hiệu quả thấp chuyển sang  cây trồng, vật nuôi khác hiệu quả cao, phát triển bền vững. Giá trị sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt bình quân trên 66 triệu đồng/ha/năm đối với trồng cây hàng năm; trên 100 triệu đồng/ha/năm đối với nuôi thủy sản (tăng 30% so năm 2005); bình quân chung 72 triệu đồng/ha/năm làm nền tảng cho việc nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập khu vực nông nghiệp thu hẹp khoảng cách chênh lệch gấp 3 lần hiện nay giữa khu vực thành thị và nông thôn. Xây dựng chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với việc hình thành phong trào thi đua sản xuất đạt 100 triệu đồng/ha/năm.
3. Xây dựng và định hình các vùng sản xuất giống cây, giống con, thủy đặc sản. Hình thành hệ thống sản xuất giống hợp lý với sự tham gia của nhiều tổ chức cá nhân thuộc các thành phần kinh tế, gắn nghiên cứu với ứng dụng, chuyển giao; gắn chọn giống, tạo giống, bình tuyển giống với thị trường tiêu thụ thông qua hình thức kiểm định, đấu xảo giống và công nhận giá trị cá thể, quần thể giống.
4. Về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn : Hoàn thiện tiêu chí đánh giá và lộ trình thực hiện cụ thể để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở giai đọan 2010 – 2015, nhưng nỗ lực phấn đấu để hoàn thành vào năm 2010.
5. Mở rộng hợp đồng tiêu thụ nông sản, phấn đấu sau 3 năm có sản phẩm xuất khẩu và sau 5 năm, 60% sản phẩm tiêu thụ thông qua các hợp đồng kinh tế ổn định.
6. Cơ cấu kinh tế nông lâm ngư nghiệp đến năm 2010 :
Giá trị sản xuất trồng trọt chiếm 23,5%; chăn nuôi: 36%; lâm nghiệp 1%; thủy sản 29.5%; các hoạt động dịch vụ nông lâm ngư nghiệp chiếm 10%. Phương án đã định hình vật nuôi có tính hàng hóa khác thay thế gia cầm.

III.- KẾ HOẠCH CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP :

1. Tình hình sử dụng đất nông nghiệp thành phố năm 2005 :

- Phân theo loại cây trồng, vật nuôi :
Đất sản xuất nông nghiệp : 77.955 ha, trong đó trồng cây hàng năm: 47.199 ha, trồng cây lâu năm: 30.756 ha.
Đất lâm nghiệp có rừng : 33.858 ha (không tính rừng phòng hộ trong đất do quân đội quản lý).
Đất nuôi trồng thủy sản : 9.765 ha (vùng nước lợ, mặn: 7.247 ha).
Đất sản xuất muối : 1.471 ha.
Đất nông nghiệp khác : 468 ha.
- Theo địa bàn :
5 huyện : 109.761 ha (đất trồng cây hàng năm 40.135 ha, cây lâu năm: 25.068 ha; đất lâm nghiệp có rừng: 33.832 ha; đất nuôi trồng thủy sản: 8.887 ha; đất làm muối: 1.471 ha và đất nông nghiệp khác: 368 ha).
Các quận còn lại : 13.756 ha (trong đó: đất trồng cây hàng năm 7.064 ha, cây lâu năm: 5.688 ha; đất nuôi trồng thủy sản: 878 ha …).

2. Địa bàn không thực hiện chương trình chuyển đổi : 24.155 ha, do đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư, manh mún, phát triển nhà ở nhanh. Trong đó :

- Các quận : tổng số: 1.264 ha (quận 7: 304 ha, quận 8: 288,5 ha, quận Bình Thạnh: 229 ha, quận Gò Vấp: 304 ha, quận Tân Phú: 129,8 ha, quận Tân Bình: 8,9 ha).
- Các thị trấn thuộc huyện : tổng số: 1.224 ha (Củ Chi: 180 ha, Hóc Môn: 112,7 ha, Bình Chánh: 732,6 ha, Nhà Bè: 42,6 ha, Cần Giờ: 156 ha).
 - Đất sản xuất xen cài trong khu dân cư nông thôn : 21.667 ha (chủ yếu cây lâu năm 21.523 ha, ao nuôi thủy sản: 115,8 ha).

3.  Diện tích đất nông nghiệp dự kiến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi :

3.1- Chuyển đổi cây trồng trong giai đoạn quá độ để chuẩn bị triển khai các dự án đầu tư : 16.900 ha/22.504 ha (còn khoảng 5.600 ha đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư các quận huyện).

 - Tập trung chuyển đổi lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác.
 - Chuyển đổi trồng cây ngắn ngày có giá trị cao như rau, hoa nền, cỏ chăn nuôi … để hạn chế phát sinh chi phí đền bù, đảm bảo tiến độ quản lý mặt bằng xây dựng.

3.2- Đất nông nghiệp ổn định, sau năm 2010 sẽ tập trung chuyển đổi để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất :

- Đất trồng cây hàng năm :  26.433 ha
- Đất trồng cây lâu năm :            26.006 ha
- Đất lâm nghiệp có rừng :  37.545 ha (mở rộng, chuyển hóa rừng)
- Đất nuôi trồng thủy sản :    9.524 ha
- Đất ruộng muối :                        1.000 ha.

3.3- Sử dụng đất trồng cây hàng năm đến năm 2010 :

- Đất trồng lúa :    9.000 ha, diện tích gieo trồng: 18.910 ha.
- Đất trồng rau :    5.700 ha, diện tích gieo trồng: 16.000 ha.
- Đất trồng cỏ chăn nuôi : 3.300 ha.
- Đất trồng cây hàng năm khác : 6.099 ha, diện tích gieo trồng: 12.900 ha, trong đó đất trồng hoa - kiểng : 2.000 ha.
4. Định hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp:

4.1- Trồng cây hàng năm :

 Đất trồng lúa : đây là đối tượng chủ yếu, cần tập trung trong chuyển đổi cây trồng khác và nuôi thủy sản để nâng giá trị sử dụng đất nông nghiệp, tăng thu nhập cho hộ nông dân.

Giai đoạn 2006-2010 giảm tối đa diện tích trồng lúa khi có điều kiện, mức phấn đấu chuyển đổi trong 5 năm là 11.000 ha; Diện tích lúa đến năm 2010 còn 8.000 - 9.000 ha, trong đó : huyện Củ Chi: 5.900 ha, huyện Hóc Môn :             100 ha, huyện Bình Chánh : 2.000 - 3.000 ha.
Chuyển trồng lúa để phát triển, tăng diện tích trồng rau (3.000 - 3.500 ha); hoa, kiểng (1.000 - 1.500 ha), trồng cỏ chăn nuôi (1.500 - 2.000 ha); cây hàng năm khác (bắp, khoai, đậu phộng …); chuyển sang nuôi thủy sản từ 700 - 1.000 ha.
Đất lúa sử dụng để thực hiện các công trình, dự án: khoảng 2.000 ha.

Trồng rau : 5.700 ha, tăng 3.000 - 3.500 ha, phân bổ ở Củ Chi (3.000 ha), Hóc Môn (900 ha), Bình Chánh (1.200 ha), quận 9 (200 ha) và các quận huyện khác (200 - 500 ha).

Trồng cỏ : khoảng 3.300 - 3.500 ha, tăng 1.800 - 2.000 ha; phân bổ trên địa bàn các huyện Củ Chi (2.500 ha), Hóc Môn (350 ha), Bình Chánh (200 - 300 ha) và các quận huyện khác 200 - 300 ha.

Trồng cây hàng năm khác : 6.099 ha, chủ yếu được chuyển từ đất trồng lúa và đất vườn tạp (trồng hoa, kiểng, cây lương thực khác, cây công nghiệp hàng năm …). Riêng hoa kiểng từ : 848 ha tăng lên 2.000 ha).

4.2- Trồng cây lâu năm :  

- Đến năm 2010 còn 26.006 ha, giảm 4.750 ha do chuyển sang đất ở, đất chuyên dùng. Cơ cấu cây trồng chuyển đổi theo hướng tăng diện tích trồng cây ăn trái (tăng 4.000 - 5.000 ha; trong đó bù một số diện tích cây ăn trái ở khu vực thực hiện các dự án 1.000 - 1.500 ha). Đến năm 2010 diện tích trồng cao su 2.200 - 2.500 ha; cây ăn trái 10.300 ha, cây lâu năm khác khoảng 13.500 ha.

4.3- Nuôi trồng thủy sản :

- Nuôi nước ngọt : diện tích mặt nước 1.700 ha, diện tích đất sử dụng 2.336 ha, giảm 183 ha ở các quận để đô thị hóa.
- Nuôi nước lợ, mặn : diện tích mặt nước nuôi 4.700 ha, diện tích đất sử dụng 7.188 ha, trong đó :
§  Nuôi tôm : diện tích mặt nước nuôi 4.500 ha (Cần Giờ: 4.000 ha, Nhà Bè: 500 ha), diện tích đất sử dụng: 6.920 ha.
§  Nuôi thủy sản khác : diện tích mặt nước nuôi 200 ha, diện tích đất sử dụng: 268 ha.

4.4- Trồng rừng, cây xanh :

- Quy hoạch phát triển, bảo vệ các loại rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng sản xuất.
- Chuyển hóa cây rừng, bảo vệ động vật rừng.

4.5- Chuyển đổi trong lĩnh vực chăn nuôi :

4.5.1- Chăn nuôi :

            - Bò sữa :
+ Tiếp tục thực hiện chương trình bò sữa, tổng đàn đến năm 2010 khoảng 70.000 - 80.000 con.
 + Nâng cao chất lượng con giống và năng suất cho sữa qua việc sử dụng các dòng tinh cao sản (10.000 - 11.000 lít/chu kỳ).
+ Từng bước thay đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẽ, nâng cao và chuyên nghiệp hóa trình độ quản lý trang trại để khai thác đúng tiềm năng di truyền về năng suất, chất lượng giống theo hướng chi phí hợp lý, hiệu quả cao phát triển bền vững.
- Heo : Duy trì tổng đàn ở mức 200.000 con, tăng cường sản xuất con giống và nâng cao chất lượng heo giống. Hiện đại hóa chuồng trại, hợp lý hóa quy trình chăn nuôi để tăng hệ số sử dụng chuồng trại…
- Gia cầm : Thực hiện chủ trương của thành phố, không khuyến khích nuôi trên địa bàn thành phố.

4.5.2- Các vật nuôi khác :

- Phát triển các loại lâm, thủy đặc sản có giá trị, có thị trường tiêu thụ như ba ba, cá sấu, ếch, một số loại bò sát, dê, thỏ …

PHẦN II
CÁC GIẢI PHÁP, BIỆN PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN

I.- CÁC GIẢI PHÁP VỀ QUY HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ, ĐỒNG BỘ HÓA CƠ SỞ HẠ TẦNG NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN :

1. Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp :

- Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết các vùng đất nông nghiệp ổn định đến năm 2010.
- Quy hoạch chi tiết sử dụng đất nông nghiệp từng loại cây trồng, vật nuôi theo các chương trình mục tiêu phát triển của thành phố và các quận huyện phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chung được phê duyệt, nhất là quy hoạch và xây dựng chương trình nuôi bò sữa, trồng cỏ, rau an toàn; trồng hoa - kiểng; nuôi cá sấu, ba ba, nuôi tôm; xây dựng và khai thác, bảo vệ 3 loại rừng …

2. Về đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp :

2.1- Đối với vùng nông nghiệp quá độ

- Không đầu tư mới các công trình hạ tầng thủy lợi, cải tạo đất, các công trình phục vụ sản xuất giống.
- Thực hiện duy tu, quản lý bảo vệ các công trình và cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có, đảm bảo phục vụ sản xuất của nông dân trong quá trình thu hồi đất nông nghiệp cho các dự án.

 2.2- Vùng nông nghiệp ổn định sau năm 2010 :

- Tập trung và đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao; Trung tâm Thủy sản thành phố ở Nhà Bè; Trung tâm Công nghệ sinh học, các trại sản xuất giống thủy sản nước ngọt, nước lợ, nước mặn; Trung tâm Quản lý - Kiểm định giống và các dự án, chương trình đầu tư khác trong chương trình giống cây giống con chất lượng cao, đặc biệt xây dựng Trung tâm Giao dịch, triển lãm sản phẩm nông nghiệp ở huyện Củ Chi.
- Đầu tư và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, các hoạt động khuyến nông, tư vấn hỗ trợ nông nghiệp, xây dựng hệ thống sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn GAP, công nghệ GIS.

2.3- Tập trung đầu tư, đồng bộ hóa công trình hạ tầng chủ yếu (thủy lợi, điện, giao thông nông thôn, điểm tập kết, trung chuyển, bảo quản nông sản) tại 12 xã điểm chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong 2 năm 2006 - 2007.

II.- CÁC GIẢI PHÁP VỀ VỐN - TÍN DỤNG - ĐẦU TƯ :

 1. Vốn ngân sách :

- Tập trung và đầu tư đúng mức cho các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, khuyến nông; giống mới, giống gốc; đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn (thủy lợi, trại sản xuất giống …); các hoạt động và dịch vụ hỗ trợ như kiểm dịch, phòng chống dịch bệnh, thú y, bảo vệ thực vật, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý, bảo vệ rừng, xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản …
- Xây dựng và triển khai các dự án sử dụng vốn ngân sách đầu tư cho nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho 12 xã diểm, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm; các chương trình phát triển cây con và sản phẩm chủ lực.

- Hỗ trợ, bù lãi suất tín dụng về việc khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố giai đoạn 2006 – 2010. (Đề xuất chính sách cụ thể thay thế Công văn 419/UB ngày 05 tháng 02 năm 2002 của Ủy ban nhân dân  thành phố).

2.  Vốn tín dụng, vốn khác :

- Tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương về tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn như Quyết định số 02/2001/QĐ-TTg ngày 02 tháng 01 năm 2001 của Thủ Tướng Chính phủ về hỗ trợ đầu tư từ Quỹ hỗ trợ phát triển các dự án sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp…
- Phối hợp với các tổ chức tín dụng, triển khai hình thức vay vốn phù hợp với điều kiện từng hộ vay, có vận dụng quy định của Ngân hàng ( có thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay; vay bằng tín chấp, vay theo dự án sản xuất, kinh doanh) đảm bảo có hiệu quả, đồng thời kiểm tra, giám sát việc vay, cấp vốn đầu tư để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng có hiệu quả, đúng mục tiêu và thanh toán đúng kỳ hạn.
- Phối hợp với các Sở ngành, đoàn thể và địa phương để huy động, sử dụng các nguồn vốn từ quỹ Xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, quỹ của các hội, đoàn thể để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác, nuôi thủy sản, xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt, Vệ sinh môi trường nông thôn. Khuyến khích các doanh nghiệp bán trả góp vật tư, thiết bị nông nghiệp cho nông dân, ứng vốn cho dân vay sản xuất nguyên liệu.
  3. Vốn hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân tham gia trong chuỗi chuyển đổi diện tích cây trồng, vật nuôi hiệu quả thấp sang cây trồng, vật nuôi hiệu quả cao hơn :
- Xây dựng chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư hạ tầng, cải tạo đồng ruộng, vay vốn sản xuất, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm, sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi (ưu tiên đầu tư cho giống mới phục vụ chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006-2010).
- Xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành phục vụ chương trình giống và chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

III.- CÁC GIẢI PHÁP VỀ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN :

- Tập trung và huy động tiềm năng, nguồn lực các thành phần kinh tế để tham gia, đầu tư, thực hiện có hiệu quả cao chương trình giống cây con chất lượng cao và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp .

- Nâng cao trình độ lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn .

- Nghiên cứu xây dựng, tổ chức thực hiện tiêu chí đánh giá và lộ trình đến năm 2015 hoàn thành nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ngoại thành.

IV.- CÁC GIẢI PHÁP VỀ XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI, TIÊU THỤ NÔNG SẢN :

1. Từng bước củng cố và xây dựng chuỗi các ngành hàng, từng bước mở rộng chương trình sản xuất nông nghiệp tốt ( GAP), liên kết giữa người sản xuất với các kênh tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sản phẩm được tiêu thụ kịp thời cũng như đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan :

- Từ năm 2005 - 2007 : trong điều kiện các yếu tố đầu vào và đầu ra chưa đồng bộ, thị trường chủ yếu là nội địa. Công tác xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm tập trung cải thiện, nâng cao hiệu quả các kênh phân phối đã hình thành, từng bước nâng tỉ lệ phân phối tiêu thụ nông sản qua các doanh nghiệp, hợp tác xã, siêu thị; giảm dần hình thức người sản xuất phân phối trực tiếp cho hộ tiêu dùng. Nhân rộng phương thức sản xuất, tiêu thụ theo các đơn  đặt hàng từ nhu cầu thị trường.
- Từ năm 2008 - 2010 : các chương trình, dự án hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã hình thành, đưa vào khai thác phục vụ sản xuất. Các yếu tố đầu vào - đầu ra của sản phẩm nông nghiệp tương đối đồng bộ, công tác thông tin thị trường và thương mại điện tử có bước phát triển và phổ cập đến các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh nông sản. Sau ba năm có sản phẩm xuất khẩu và sau 5 năm, 60% sản phẩm tiêu thụ ổn định thông qua các hợp đồng           kinh tế.

2. Tiếp tục tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương và thành phố liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản.

3. Tạo điều kiện và phát triển các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông nghiệp, nông dân ; xây dựng thương hiệu nông sản ; đầu tư và nâng cao chất lượng cổng giao dịch điện tử xúc tiến tiêu thụ nông sản; tổ chức hội thi, triển lãm chuyên ngành.

V.- CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC, NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH :

1. Tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Hoàn chỉnh hệ thống thông tin, cập nhật dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch, tiến độ sản xuất phù hợp, xác thực để phản ánh đúng, để làm tốt nhiệm vụ cảnh báo, dự báo.

2. Nâng cao trình độ và kỹ thuật sản xuất cho nông dân :

Định kỳ tổ chức điều tra, phân tích quan hệ cung - cầu và chất lượng nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn ngoại thành. Tổ chức tập huấn, huấn luyện, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ để nâng cao trình độ sản xuất của nông dân và hộ sản xuất nông nghiệp. Phấn đấu trong các năm  2006 - 2008, mỗi năm có khoảng 30% số hộ nông dân chuyển đổi đất trồng lúa được tập huấn theo một quy trình từ lúc người nông dân đăng ký chuyển đổi đến nắm vững qui trình sản xuất, các yếu tố đầu vào, đầu ra của các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản, các thủ tục vay vốn đầu tư cải tạo đồng ruộng để chuyển đổi đến các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đầu tư cho sản xuất và các bước tiêp theo cho đến khi nông dân bán được sản phẩm và thu hồi vốn.

3. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, Trường đại học, Viện nghiên cứu ... với nông dân, hộ sản xuất và với vùng nguyên liệu trong công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, giống mới, công nghệ sau thu hoạch.

4. Đẩy mạnh chương trình tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở nước ngoài cho lực lượng cán bộ kỹ thuật, khuyến nông, nông dân sản xuất, có sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước.

VI.- CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM :
1. Chương trình giống cây, con chất lượng cao đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2015 :
Xây dựng và định hình các vùng sản giống cây, giống con, thủy đặc sản. Hình thành hệ thống sản xuất giống hợp lý với sự tham gia của nhiều tổ chức cá nhân thuộc các thành phần kinh tế, gắn nghiên cứu với ứng dụng, chuyển giao; gắn chọn giống, tạo giống, bình tuyển giống với thị trường tiêu thụ thông qua hình thức kiểm định, đấu xảo giống và công nhận giá trị cá thể, quần thể giống.
2. Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với việc hình thành phong trào thi đua sản xuất đạt 100 triệu đồng/ha/năm.
Để nâng giá trị sản xuất bình quân 72 triệu đồng/ha, làm nền tảng cho việc nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập khu vực nông nghiệp, thu hẹp khoảng cách chênh lệch thu nhập gấp 3 lần hiện nay giữa khu vực thành thị và nông thôn. Tiếp tục xây dựng các chương trình cây con chủ lực và các đề án phát triển chuyên ngành :

-       Chương trình phát triển rau an toàn giai đọan 2006 -  2010.

-       Chương trình phát triển bò sữa giai đọan 2006-2010.
-       Chương trình phát triển thủy sản giai đoạn 2006-2010.
-       Chương trình hoa lan, cây cảnh, cá kiểng giai đọan 2006-2010.
-       Chương trình phát triển cá sấu.
-   Đề án quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thành phố đến năm 2010.
-   Đề án xây dựng 12 mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp qui mô cấp phường, xã.
- Chiến lược phát triển lâm nghiệp thành phố đến năm 2010, tầm nhìn 2020.

3. Các dự án trọng điểm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố :

- Dự án xây dựng Trung tâm thủy sản thành phố tại khu vực Mương Chuối - Nhà Bè qui mô 71 ha do Ban quản lý Trung tâm thủy sản thành phố làm chủ đầu tư.
- Dự án đầu tư Khu nông nghiệp công nghệ cao 88 ha tại Củ Chi do Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao làm chủ đầu tư.
- Dự án xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố tại quận 12 do Trung tâm công nghệ sinh học làm chủ đầu tư.
- Dự án xây dựng Trung tâm giao dịch và triển lãm sản phẩm nông nghiệp tại Củ Chi với qui mô khoảng 23 ha do Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp làm chủ đầu tư.
- Các dự án thủy lợi tiêu thoát nước :
Dự án đê bao bờ hữu sông Sài Gòn.
Dự án tiêu thoát nước kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước lên.
Dự án tiêu thoát nước rạch Suối Nhum.
Dự án đê bao bờ tả sông Sài Gòn.
Các dự án thủy lợi vùng lúa chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi khác.

4.  Chương trình phát triển nông thôn : tập trung các đề án, dự án bao gồm :

- Dự án nước nông thôn và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006 - 2010 do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn làm chủ đầu tư.
- Đề án nhân rộng mô hình nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hợp tác hóa và dân chủ hóa do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. Đề án đang được triển khai tại 3 xã : Thái Mỹ (Củ Chi), xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), xã Bình Chánh (Bình Chánh), sẽ tổng kết để nhân rộng.
- Đề án củng cố, nâng cao kinh tế hợp tác trong nông nghiệp do Chi cục Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện.
- Đối với chuyển dịch cơ cấu lao động : tập trung cho các chương trình, dự án, đề án trọng điểm như:
- Đề án đào tạo cán bộ nông nghiệp cho các phường, xã có sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Đề án được thực hiện từ năm 2003 đến nay và do Trường Trung học Kỹ thuật nông nghiệp thực hiện.
- Đề án thành lập quĩ đào tạo nghề cho nông dân phục vụ chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện. Dự kiến đề án sẽ được trình trong năm 2006.
5. Đối với chuyển dịch các ngành dịch vụ bổ trợ : tập trung thực hiện các dự án, đề án bao gồm :
- Dự án xây dựng hệ thống thông tin thị trường nông sản do Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp chủ trì, thực hiện từ năm 2006 - 2008. Dự án đã được Sở Bưu chính, Viễn thông đưa vào danh mục triển khai từ năm 2006.
- Đề án phát triển các ngành dịch vụ nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện.
- Đề án ứng dụng qui trình sản xuất nông nghiệp tốt(GAP) trong sản xuất nông nghiệp do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản và các Hiệp hội chuyên ngành, các địa phương triển khai thử nghiệm.
- Đề án xây dựng chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn giai đoạn 2006 - 2010 do Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công nghiệp và Sở Thương mại thực hiện.
-   Đề án xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp thành phố giai đoạn 2006 - 2010 do Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp chủ trì thực hiện. Dự kiến sẽ trình Ủy ban nhân dân thành phố trong đầu năm 2006.

VII.- GIẢI PHÁP VỀ CHỈ ĐẠO, TỔ CHỨC THỰC HIỆN :

 1. Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của thành phố :

- Do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó ban thường trực, Sở Tài chính làm Phó ban phụ trách tài chính, các ngành làm Ủy viên gồm có: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công nghiệp, Sở Thương mại, Hội Nông dân thành phố, Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm thành phố.
- Thành lập tổ giúp việc Ban chỉ đạo chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Các thành viên tổ giúp việc do Ban chỉ đạo lựa chọn.

2. Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp các quận huyện :

- Ủy ban nhân dân các quận, huyện có sản xuất nông nghiệp thành lập Ban chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp địa phương do Chủ tịch hoặc một Phó Chủ tịch quận, huyện làm Trưởng ban; Trưởng Phòng kinh tế quận, huyện làm Phó ban. Ban chỉ đạo địa phương phải có bộ phận chuyên trách.
- Căn cứ vào kế hoạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006-2010 đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, Ban chỉ đạo các quận, huyện có trách nhiệm :
Chịu trách nhiệm chính trong việc xác định diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng hình thành vùng có quy mô sản xuất hàng hóa tập trung, để chủ động phối hợp thống nhất với Ban Chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu thành phố về kế hoạch triển khai cụ thể.
Hướng dẫn các cơ quan chức năng và hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã đăng ký chuyển đổi, tập huấn, huấn luyện và lập dự án vay vốn theo chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
- Hàng năm, Ban chỉ đạo các quận, huyện xây dựng kế hoạch theo chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp với các nội dung đăng ký sau: tổng vốn đầu tư, kinh phí hoàn trả phần lãi vay theo chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đề xuất tổ chức tín dụng cho vay và gởi Ban chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố thẩm định trình Ủy ban nhân dân thành phố giao chỉ tiêu kế hoạch hàng năm.
- Định kỳ hàng tháng Ban chỉ đạo Chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tổ chức giao ban, sơ kết,  báo cáo tình hình, kết quả tổ chức thực hiện và vướng mắc về Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tế./.

 


TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC





Nguyễn Thiện Nhân



Xây dựng và phát triển trang web: Công ty PSC Việt Nam

Leave a Reply

 
Cả nhà thương nhau © 2011 DheTemplate.com & Main Blogger. Supported by Makeityourring Diamond Engagement Rings

You can add link or short description here