Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2006-2010

0 nhận xét

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong những năm vừa qua, bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được về phát triển kinh tế xã hội nông thôn, xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, nông thôn nước ta còn thể hiện nhiều tồn tại. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, sự phát triển của nhiều vùng nông thôn tiềm ẩn nhiều yếu tố đáng lo ngại. Quá trình phát triển nông thôn mang nặng tính tự phát ở nhiều nơi đã và đang phá vỡ sự cân bằng về môi trường sinh thái cũng như cảnh quan. Điều kiện ăn ở và sinh hoạt của người dân nông thôn chưa được chú ý đúng mức. Tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng. Bản sắc truyền thống của nhiều vùng đang bị mai một. Ở nhiều vùng nông thôn văn hóa gắn bó cộng đồng từng bước bị phai nhạt. Thể chế nông thôn chưa được phát triển phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như giải quyết các xung đột quyền lợi trong cộng đồng. Những yếu tố trên nếu không được giải quyết kịp thời sẽ dẫn đến mâu thuẫn, ngăn cách ngày càng lớn trong nông thôn, giữa nông thôn và thành thị, giữa truyền thống và phát triển, và tiềm ẩn sự bất ổn chính trị - xã hội ở khu vực nông thôn cũng như trên phạm vi cả nước.


Trước những thách thức đó, đòi hỏi Nhà nước phải có những hỗ trợ phù hợp để điều chỉnh quá trình phát triển nông thôn ổn định, hài hoà, hạn chế suy thoái môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Do vậy, quá trình phát triển nông thôn không chỉ nhấn mạnh đến phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, quá nhất mạnh đến những yếu tố vật chất như những năm vừa qua mà phải có sự chú ý đúng mức đến phát triển xã hội, nâng cao điều kiện sinh hoạt cũng như đời sống tinh thần cho người dân nông thôn, giữ gìn được bản sắc của mỗi vùng, khôi phục và phát triển những làng nghề truyền thống, xây dựng đời sống văn hoá mới, phát huy tinh thần chủ động tự vươn lên của người dân nông thôn, tạo sự gắn bó người dân và cộng đồng để từng bước nâng cao vai trò của cộng đồng trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Đây chính là những mục tiêu chính cần đạt được trong Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm tới đây.



PHẦN I

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HIỆN NAY


I.                  Khái quát tình hình phát triển nông thôn

Sau hơn 20 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn thách thức nhưng nông thôn nước ta đã thu được nhiều thành tựu đáng kể làm thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội nông thôn. Giá trị sản lượng nông nghiệp tăng trưởng với tốc độ trung bình khoảng 4,5-5%. Ngành nghề, dịch vụ và làng nghề truyền thống đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 15%/năm. Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng lao động và vật liệu tại chỗ được đầu tư phát triển. Các loại hình dịch vụ thương mại, tài chính, kỹ thuật nông nghiệp được phát triển, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn.
Cơ cấu kinh tế nông thôn đã có bước chuyển dịch tốt theo hướng phát triển đa dạng. Tỷ trọng ngành nghề và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế nông thôn tăng lên, nay chiếm 35%; thu nhập bình quân của 1 nhân khẩu nông thôn tăng lên rõ rệt.
Từ khi thực hiện chính sách đổi mới nền kinh tế đến nay, nhất là sau khi Chính phủ có Quyết định 132/2000/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, ngành nghề nông thôn nước ta có sự biến đổi mạnh mẽ. Nhiều nghề truyền thống được khôi phục và phát triển như nghề thêu, dệt thổ cẩm, gốm sứ, nghề mây tre đan…. Nhiều nghề phi nông nghiệp mới như nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thuỷ sản, nghề tết bện các sản phẩm từ thực vật thuỷ sinh, nuôi trồng sinh vật cảnh, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt, may, cơ khí nhỏ ở nông thôn, nghề xây dựng, vận tải trong nội bộ xã, liên xã và các nghề dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống cư dân nông thôn,... đã và đang được mở mang. Sự biến đổi đó đã phần nào đem lại bộ mặt mới của khu vực nông thôn hiện nay. Một phần lao động trong thời gian nông nhàn, lao động dôi dư từ quá trình đô thị hoá nông thôn… đã có việc làm ổn định. Nhiều sản phẩm được tạo ra hoặc gia tăng giá trị thông qua quá trình bảo quản, chế biến. Qua đó, thu nhập của một bộ phận cư dân nông thôn đã cao hơn đáng kể. Thu nhập của người lao động tham gia vào nghề phi nông nghiệp thông thường cao gấp 3-4 lần so với lao động nông nghiệp.
Kinh tế hộ và kinh tế trang trại được khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nên phát triển với quy mô và hiệu quả ngày càng cao. Nhiều hợp tác xã đã mạnh dạn chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã mới, đa dạng hoá và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, phát huy vai trò hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trên địa bàn nông thôn. Doanh nghiệp nông thôn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng từng bước hình thành và phát triển, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế nông thôn và thu hút việc làm, tạo ra nền tảng vững chắc cho quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông thôn.
Hạ tầng nông thôn không ngừng được cải thiện. Do có sự hỗ trợ của Nhà nước về xây dựng hạ tầng làng nghề, xây dựng chợ nông thôn, phát triển hạ tầng cụm công nghiệp nhỏ và vừa, nên đã thu hút được nhiều nguồn vốn trong dân cư, làm cho cơ sở hạ tầng có những thay đổi tích cực. Đến nay, 95% số xã có đường ô tô đến khu trung tâm, trên 85% xã có điện. Tỷ lệ dân nông thôn có nước sinh hoạt đạt 62%.
Đời sống dân cư nông thôn được cải thiện đáng kể không chỉ về mặt số lượng mà cả về mặt chất lượng. Điều kiện sống, đi lại, học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hoá được cải thiện. Đối với những vùng khó khăn nhất ở nông thôn, nhất là đối với những hộ nông dân vùng sâu, vùng xa, tuy đời sống còn nhiều khó khăn và tình trạng đói giáp hạt vẫn xảy ra, nhưng về cơ bản mức sống đã được cải thiện một bước rõ rệt.
Tăng trưởng kinh tế đi đôi với xoá đói, giảm nghèo và cải thiện đời sống của đại bộ phận người dân nông thôn. Theo chuẩn quốc gia, tỷ lệ nghèo đói ở nông thôn trên phạm vi cả nước đã giảm mạnh từ 20,8 % đầu năm 2001 xuống còn khoảng 8,7% vào cuối năm 2005 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2001-2005 (tỷ lệ đói nghèo nông thôn hiện nay là 31% theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2006-2010 theo Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ), bình quân mỗi năm giảm 2,4%.
Một số làng, xã ở các vùng đã trở thành làng, xã văn hóa, có kinh tế phát triển, văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc bước đầu được phục hồi và phát triển, trình độ dân trí nâng lên. Phong trào phát triển ngành nghề nông thôn đã được tạo dựng ở một số địa phương và có những thành công bước đầu. Đó là các hoạt động công nhận làng nghề theo tiêu chuẩn địa phương ở 10 tỉnh Hà Tây, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Quảng Nam, Bình Thuận, Đồng Tháp, Tiền Giang; Tổ chức các trung tâm giới thiệu nghề truyền thống, trưng bày và bán sản phẩm thủ công truyền thống gắn với du lịch tại Hội An; Tổ chức hội chợ làng nghề, hội chợ du lịch làng nghề hàng năm tại Hà Tây; Xây dựng quy chế phong tặng nghệ nhân của Hà Nội; Phát triển cụm công nghiệp, thủ công nghiệp, làng nghề nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở nhiều tỉnh…

II.               Kết quả thực hiện một số chương trình hỗ trợ ở nông thôn

1. Chương trình phát triển nông thôn mới cấp xã

Kể từ năm 2001, Ban Kinh tế Trung ương cùng với Bộ Nông nghiệp và PTNT, các Bộ, ngành và địa phương đã bắt đầu triển khai xây dựng mô hình điểm “Phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hợp tác hoá, dân chủ hoá” (gọi chung là mô hình phát triển nông thôn mới cấp xã) tại các vùng sinh thái. Chương trình phát triển nông thôn đã được triển khai tại 14 xã điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tăng lên 18 xã trong năm 2004) và khoảng 200 xã điểm của các địa phương. Chương trình phát triển nông thôn cấp xã bao gồm 5 nội dung cơ bản: phát triển kinh tế hàng hoá với một cơ chế phù hợp khai thác được lợi thế của địa phương, có thị trường tiêu thụ; phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với nền nông nghiệp hàng hoá đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá; xây dựng khu dân cư văn minh; tăng cường công tác văn hoá, y tế, giáo dục trong nông thôn và xây dựng đội ngũ cán bộ; tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, phát huy vai trò của cán bộ tổ chức quần chúng, thực hiện tập trung dân chủ.
Trong hơn 3 năm qua, Chương trình phát triển nông thôn cấp xã đã triển khai được một số hoạt động như đào tạo cho cán bộ các xã điểm, triển khai qui hoạch cho 18 xã điểm của Bộ Nông nghiệp và PTNT, lồng ghép các chương trình, dự án về khuyến nông, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho 18 xã điểm. Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng và bộ mặt nông thôn của các xã điểm đã có sự thay đổi đáng kể, nhiều hệ thống nước sạch cũng như xử lý nước thải đã đi vào hoạt động có hiệu quả. Sản xuất nông nghiệp và nhất là ngành nghề có hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình phát triển nông thôn cấp xã đã bộc lộ một số tồn tại:
- Phần lớn xã đã quá chú trọng đến đầu tư xây dựng cơ bản mà chưa quan tâm đúng mức đến phát triển sản xuất. Có mô hình còn quá thiên về nông nghiệp, chưa có đầu tư thoả đáng vào phát triển ngành nghề, công nghiệp nông thôn, dịch vụ và các vấn đề văn hoá - xã hội, nội dung dân chủ hoá chưa được thể hiện rõ trong các dự án. Nội dung nâng cao năng lực cho cán bộ xã, người dân thực hiện vẫn mờ nhạt. Đa số các dự án còn dàn trải chưa làm nổi bật các trọng tâm để tập trung triển khai thực hiện.
- Qui hoạch phát triển các xã điểm chưa thực sự phù hợp do quá chú trọng đến các dự án đầu tư, đòi hỏi số vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng. Hầu hết các phương án qui hoạch các xã điểm về phát triển nông thôn đã được xây dựng và thực hiện trong những năm qua đều do các cơ quan tư vấn soạn thảo và trình duyệt thay cho cấp xã, thay cho người dân. Do vậy,  hầu hết các bản qui hoạch thiếu tính khả thi, không thực tế, không phản ánh đúng nhu cầu thiết thực của người dân.
- Phương châm chỉ đạo xây dựng mô hình là: "Phải dựa vào nguồn lực tại chỗ là chính, Nhà nước hỗ trợ một phần". Nhưng chỉ có khoảng một nửa số xã đã tự huy động được đóng góp của dân từ 47 - 55% tổng vốn đầu tư, còn lại mức huy động thấp chỉ 10% tổng vốn đầu tư. Các mô hình được xây dựng theo cách tiếp cận truyền thống là phát triển dựa vào nhu cầu, dựa vào việc bù đắp sự thiếu hụt. Vì vậy, các mô hình điểm đã làm nảy sinh tâm lý cho cả cấp hỗ trợ và cấp thực hiện cũng như người dân coi đây là các dự án đầu tư của Nhà nước, nên dự án lập xong, người dân và mọi người đều chờ đợi cơ hội đầu tư từ bền ngoài. Như vậy, tâm lý ỷ lại, trông chờ hoàn toàn vào sự đầu tư hỗ trợ vốn ngân sách Nhà nước còn phổ biến.
- Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho các xã điểm đòi hỏi vốn lớn, nhưng đến nay, ngoài nguồn vốn thông qua một số chương trình, dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của tỉnh, còn lại các bộ, ngành khác chưa có sự quan tâm đầu tư thoả đáng.
- Chương trình ngay từ khi xây dựng và thông qua không xác định rõ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, không được ghi vốn riêng. Do vậy, quá trình triển khai thiếu nguồn lực cụ thể, không tạo ra động lực thu hút nguồn vốn đóng góp của dân. Do không có nguồn vốn riêng cho chương trình, các hoạt động của các dự án mô hình đều phụ thuộc vào việc lồng ghép của các chương trình, dự án khác. Từ đó dẫn đến việc triển khai các hoạt động của chương trình ở các xã điểm còn rất thụ động, không thường xuyên và hiệu quả còn hạn chế.
- Đối tượng tác động của Chương trình là người dân nông thôn đã không được xác định rõ ngay từ đầu. Trong nếp nghĩ cũng như tâm lý của nhiều cán bộ vẫn coi các khoản mục đầu tư là đối tượng của dự án. Do vậy, người dân nông thôn không được tham gia tích cực trong các hoạt động của Chương trình.
- Việc phối hợp tổ chức thực hiện mô hình của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở chưa tập trung, đồng bộ. Tuy đội ngũ cán bộ chủ chốt tại các cấp địa phương đã được cử đi tham quan, học tập ở trong và ngoài nước, cán bộ của các xã điểm tham gia mô hình đã được tập huấn đào tạo, nhưng nhận thức của cán bộ về phát triển nông thôn mới còn nhiều bất cập nên khi thực hiện việc xây dựng mô hình tại địa phương, họ vẫn còn đứng ngoài cuộc, chưa thực sự cho rằng chính người dân và cán bộ cơ sở đóng vai trò chính và quan trọng quyết định sự thành bại của mô hình phát triển nông thôn mới. Bộ máy tổ chức chỉ đạo triển khai chương trình không được hình thành thống nhất, đồng bộ từ cấp trung ương xuống các địa phương. Do vậy, không phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền trong việc tổ chức chỉ đạo, triển khai, theo dõi và đánh giá chương trình.

2. Các chương trình khác

Trong những năm qua, nông nghiệp, nông thôn nước ta luôn nhận được sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhiều chương trình phát triển đã được thực hiện, tập trung vào hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như Chương trình giống, Chương trình khoa học công nghệ, Chương trình khuyến nông, khuyến công... Những chương trình này đã có những đóng góp đáng kể đến phát triển nông nghiệp, qua đó nâng cao thu nhập và đời sống của người dân nông thôn.
Bên cạnh đó, một số chương trình, dự án mang tính phát triển nông thôn, như Dự án ngành cơ sở hạ tầng nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi (Chương trình 135), Chương trình Mục tiêu quốc gia về Xoá đói, giảm nghèo và việc làm. Những chương trình dự án này đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của nông thôn của vùng dự án, kinh tế nông thôn phát triển, cơ sở hạ tầng được ưu tiên đầu tư, đời sống dân cư được cải thiện, điều kiện ở, đi lại, học tập, chăm sóc sức khoẻ được quan tâm đúng mức.
Tuy nhiên, những chương trình hay dự án này hoặc mới chỉ giải quyết một số khía cạnh riêng rẽ (như về cơ sở hạ tầng, về môi trường...) hoặc nhằm mục tiêu xoá đói, giảm nghèo cho những vùng đặc biệt khó khăn, vùng nghèo mà chưa mang tính toàn diện, tổng thể nhằm tạo ra một phong trào phát triển nông thôn mang tính sâu rộng, bền vững có khả năng nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Một đặc điểm chung của các chương trình này là chỉ chú trọng vào phát triển kinh tế và đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức đến đời sống văn hoá, tinh thần của người dân cũng như cộng đồng dân cư. Có chương trình thiên về áp đặt các hạng mục để hỗ trợ từ trên xuống, không phản ánh đúng nhu cầu thiết thực của người dân.
Đồng thời, các chương trình chủ yếu tập trung vào nguồn “ngoại lực” hoặc là bao cấp hoàn toàn (vốn ngân sách cấp 100% như Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xoá đói, giảm nghèo và việc làm, Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn) hoặc bao cấp phần lớn (như Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình khuyến nông). Cách tiếp cận của các chương trình này là tập trung chú trọng vào việc xác định và giải quyết các vấn đề và nhu cầu của cộng đồng dân cư nông thôn nên cố gắng tìm các giải pháp, hỗ trợ từ bên ngoài để bù đắp cho sự thiết hút đó. Với cách tiếp cận như vậy, người dân nông thôn đượ xem như là những "khách hàng" nhận những hỗ trợ từ bên ngoài đưa tới. Từ đó nảy sinh tâm lý ỷ lại, trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ của Ngân sách Nhà nước của người dân cũng như của chính quyền cơ sở, đặc biệt là cấp xã. Do vậy, ở một mức độ nào đó đã dẫn đến người dân nông thôn thiếu chủ động và phần nào thiếu trách nhiệm trước hiệu quả hoạt động của các hạng mục đầu tư trong các chương trình. Nhiều công trình, dự án sau khi kết thúc đầu tư đã không được người dân quan tâm đúng mức để duy tu, bảo dưỡng, do vậy, thiếu tính bền vững.
Hơn nữa, các Chương trình phát triển nông thôn trước đây mang tính dàn trải, bình quân chủ nghĩa, hỗ trợ đồng đều cho tất cả các hộ dân, các xã. Nhiều chương trình, dự án lấy tiêu chí cơ bản để hỗ trợ là hộ nghèo, xã nghèo. Vì vậy, nơi nào càng nghèo thì càng được quan tâm và nhận được nhiều hỗ trợ hơn; cho nên, thay vì phấn đấu vươn lên tự chủ thì các xã thường có thiên hướng phấn đấu trở thành "xã nghèo" và người dân thì phấn đấu trở thành "hộ nghèo". Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có cơ chế khuyến khích, động viên cũng như khen thưởng kịp thời các điển hình làm tốt, các hộ năng động, sáng tạo. Do vậy, các chương trình, dự án này trong một chừng mực nào đó chưa phát huy được nội lực, tinh thần ganh đua lành mạnh giữa các cộng đồng, chưa khuyến khích người làm tốt, làm hay, chưa có cơ chế khen thưởng thích đáng cho những làng, xã chủ động tự vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Những năm qua cho thấy, có rất ít xã thuộc Chương trình 135 tự nguyện xin thoát khỏi Chương trình (qua 7 năm thực hiện mới chỉ có 20 xã ở Lào Cai, Đồng Nai, Thừa Thiên Huế tự nguyện ra khỏi chương trình trong tổng số hơn 2000 xã thuộc Chương trình) vì như vậy đồng nghĩa với việc xã sẽ bị cắt khoản đầu tư hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương. Trong phạm vi Chương trình Mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo và việc làm, cũng không có nhiều hộ tự nguyện xin thoát nghèo.

III.           Tồn tại của phát triển nông thôn hiện nay và những nguyên nhân:

Trong quá trình phát triển nông thôn hiện nay, chúng ta đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức, như tỷ lệ đói nghèo cao, cơ sở hạ tầng hạn chế, môi trường suy thoái, tuy nhiên ở đây sẽ đề cập đến 3 khó khăn, thách thức đang rất bức xúc mà cho đến nay chưa được đề cập đến trong các chương trình phát triển nông thôn, hoặc có đề cập nhưng mới chỉ ở mức độ mờ nhạt. Cụ thể là:

1. Sự phát triển tự phát dẫn đến phá vỡ cảnh quan và mất cân bằng sinh thái, nhiều nơi trở thành cản trở sự phát triển phát triển bền vững của nông thôn cả về kinh tế và xã hội

- Phát triển nông thôn phần lớn chưa có qui hoạch, ở những nơi có qui hoạch thì chưa theo đúng, phát triển mang tính tự phát dẫn đến nhà cửa, các công trình công cộng ở nhiều nơi được xây dựng rất lộn xộn, tuỳ tiện. Nhiều hộ dân nông thôn chạy theo xu hướng đô thị hoá khi xây các công trình, nhà ở mà không chú ý đúng mức đến cảnh quan nông thôn, bản sắc của từng vùng.
- Phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như ngành nghề ở nhiều vùng nông thôn thường chỉ tập trung vào tối đa hoá lợi nhuận kinh tế trước mắt, không quan tâm đúng mức những ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh. Do vậy, môi trường nông thôn từng bước bị suy thoái nghiêm trọng, bệnh dịch phát sinh trên diện rộng đặc biệt tại các làng nghề, khu công nghiệp, đang đặt ra thách thức lớn đối với sự nghiệp phát triển nông thôn bền vững. Đặc biệt là các khu vực nông thôn gần thành phố lớn, phải chịu sức ép về đất đai, nông nghiệp được hiện đại hoá ở trình độ nhất định; chính điều này đã gây ra ảnh hưởng xấu đến môi trường.
- Hầu hết các làng, xã nông thôn chưa có hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn, chưa hình thành vùng công nghiệp, làng nghề tập trung ở xa các khu dân cư. Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp nằm ngay sát hoặc xen kẽ với nhà ở của người dân. Do đó, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh hoạt hàng ngày của người dân nông thôn. Có một thực tế đáng lo ngại ở những làng có ngành nghề thủ công, ngành nghề chế biến nông sản phát triển mạnh nhất thì lại có môi trường bị suy thoái nghiêm trọng nhất.
- Đường làng, ngõ xóm và điều kiện vệ sinh, ăn ở của người dân chưa được chú ý đúng mức. Trong những năm qua, các chương trình dự án hỗ trợ của Nhà nước chỉ mới đến được cấp xã, đầu tư cho các công trình lớn của toàn xã, liên xã như điện, đường, trường, trạm. Tại cấp làng (thôn, bản, ấp) thì điều kiện giao thông còn rất hạn chế, chủ yếu là đường đất, nhỏ, đi lại khó khăn. Hầu hết, đường làng, ngõ xóm chưa được bê tông hoá, lầy lội vào mùa mưa.

2. Vai trò chủ đạo của người dân và cộng đồng trong phát triển nông thôn chưa được phát huy

- Một số địa phương đã bước đầu huy động sự đóng góp của người dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của thôn, xã trong những năm qua. Tuy nhiên, việc huy động này mới diễn ra lẻ tẻ ở một số địa phương như Thái Bình, An Giang, mà chưa được nhân rộng, phát huy thành những phong trào trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, những cố gắng huy động nội lực của người dân trong thời gian vừa qua chưa được thực hiện một cách bài bản, có hệ thống, minh bạch; do vậy, thiếu bền vững, thậm chí trong một số trường hợp có thể dẫn đến đánh mất niềm tin của người dân.
Trong những năm qua, kinh tế nông thôn cũng như thu nhập của người dân nông thôn đã có những bước tăng trưởng đáng kể. Khả năng tích luỹ trong dân, đặc biệt ở các xã, các hộ khá giả tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, nguồn lực này trong dân cư nông thôn vẫn chưa được huy động để đóng góp vào công cuộc phát triển ở địa phương mình. Do vậy, cần phải có cơ chế phù hợp, minh bạch cũng như những nỗ lực vận động người dân cùng chung sức, đóng góp phát triển quê hương. Qua đó, từng bước tăng cường sự gắn bó đoàn kết, cùng làm việc của người dân trong thôn, làng. Đồng thời, khi người dân trực tiếp bỏ công sức và tài chính để đóng góp vào xây dựng các công trình thì ý thức trách nhiệm của họ trong việc sử dụng, bảo quan sẽ được nâng cao.
- Một bộ phận đáng kể người dân nông thôn có tâm lý tự ti, không tin vào khả năng của bản thân mình có thể tự vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Một tỷ lệ đáng kể người dân nông thôn cảm thấy rằng nghèo là số phận của họ và họ không thể tự thay đổi điều kiện sống của mình, hoặc không được khuyến khích hay có đủ can đảm để cải thiện điều kiện sống của bản thân. Một khi đã coi nghèo đói là số phận, người dân nông thôn sẽ không đủ mạnh dạn tự vươn lên làm giàu, ngay cả khi có cơ hội. Do vậy, tại nhiều vùng nông thôn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ bên ngoài (ngân sách Nhà nước, tổ chức quốc tế) vẫn còn phổ biến. Có nơi, nhiều hộ dân nông thôn chỉ trông chờ vào thoát nghèo hay vươn lên làm giàu một cách nhanh chóng thông qua cho con em đi lao động xuất khẩu hay thậm chí lấy chồng người nước ngoài. Không ít người dân nông thôn cho rằng chỉ khi thoát ly khỏi địa phương mình, làm việc tại các thành phố thì mới có thể vươn lên khá giả. Tâm lý tư ti, không tin vào bản thân mình đã ăn sâu vào tâm chí của người dân nông thôn qua nhiều thế hệ và do vậy, đã làm hạn chế bản chất cần cù, nhạy bén, tính năng động và sáng tạo của người dân.
Hơn nữa, xu hướng tăng dần khoảng cách về thu nhập cũng như mức sống giữa dân cư đô thị và dân cư nông thôn trong những năm vừa qua càng làm cho người dân nông thôn thiếu tự tin. Nếu khoảng cách thu nhập này không được thu hẹp thì thậm chí dẫn đến nhiều người dân nông thôn tự coi mình như công dân "hạng hai", thấp kém hơn so với dân cư đô thị.
-  Việc xây dựng cộng đồng như một thể chế bền vững để tổ chức và hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp tập thể, cải thiện điều kiện sản xuất và sinh hoạt hầu như chưa có và chưa có cơ chế để gắn kết các nỗ lực phát triển kinh tế xã hội tạo thành sức mạnh tổng hợp ở cấp thôn, bản, ấp theo hình thức cộng đồng dân cư bền vững. Vai trò của cộng đồng trong phát triển chưa được phát huy đúng mức. Trong xã hội nông thôn Việt Nam, cộng đồng làng xã có quan hệ chặt chẽ tạo sự gắn bó giữa người dân nông thôn.
Ở nông thôn Việt Nam, “sự huy động xã hội” đằng sau những quyết định được đưa ra ở đâu đó, chứ không phải là “sự tham gia” thực sự của cộng đồng vào quá trình ra quyết định, thường được lấy làm chuẩn mực, mặc dù các chính sách chính thức đều hướng tới khuyến khích sự tham gia. Một lý do khiến sự tham gia của cộng đồng thường không đầy đủ là khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện cho sự đóng góp của xã hội dân sự - nói chung được hiểu là các tổ chức tự nguyện, ngoài Nhà nước  - vẫn chưa được hoàn chỉnh.
- Đại đa số người dân nông thôn do không được đào tạo và trang bị đầy đủ kiến thức, bao gồm các những kỹ năng cơ bản về họp cộng đồng, trao đổi ý kiến, xây dựng và đề xuất dự án; do vậy đã gặp không ít khó khăn trong việc tham gia xây dựng kế hoạch phát triển làng xã của mình. Thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm và không được tạo cơ hội thuận lợi, đại đa số người dân nông thôn đã không thực hiện tốt vai trò theo dõi, giám sát đối với các công trình, dự án được đầu tư tại nơi mình sinh sống.

3. Thu nhập thấp, thiếu việc làm, sản xuất kém đa dạng dẫn đến người dân nông thôn dễ bị tổn thương trước những biến động kinh tế xã hội

- Thu nhập thấp và thiếu việc làm còn phổ biến ở nhiều vùng nông thôn. Năm 2004, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn chỉ có 377 nghìn đồng/tháng so với mức ở thành thị là 795 nghìn đồng/tháng. Ở đa số các vùng nông thôn, người dân nông thôn quá phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, trong sản xuất nông nghiệp thì lại phụ thuộc vào một số ít các cây trồng vật nuôi. Do vậy, những biến động nhỏ của thị trường về giá cả, quan hệ cung cầu, hoặc khi đất sản xuất nông nghiệp của người dân bị thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất công nghiệp, đất đô thị, đã ảnh hưởng rất mạnh đến việc làm, thu nhập và đời sống của các hộ dân nông thôn.
- Ngành nghề nông thôn chậm phát triển. Các chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn của Nhà nước mặc dù đã được ban hành khá nhiều song chưa có được sự thống nhất chung, lại chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành khác nhau; sự vận dụng của các địa phương cũng chưa thống nhất; thiếu sự sơ kết, đánh giá và chậm được điều chỉnh kịp thời nên chưa mang lại hiệu quả thiết thực như mong muốn. Hơn nữa, phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn vẫn mang tính tự phát ở từng địa phương, sử dụng những công nghệ lạc hậu và các thiết bị máy móc có tính lâu đời. Trên 80% các cơ sở không đủ vốn đầu tư đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất. Hầu hết các hộ, cơ sở ngành nghề nông thôn đều sử dụng nhà ở làm nơi sản xuất..
Sản xuất thiếu ổn định do thiếu nguyên liệu. Khoảng 35% số cơ sở ngành nghề nông thôn thiếu nguyên liệu nghiêm trọng, chỉ duy trì sản xuất cầm chừng với nguyên liệu có nguồn gốc không rõ ràng, không ổn định. Sự liên kết giữa các làng nghề, nghệ nhân, thợ thủ công và các doanh nghiệp trong mở mang, truyền nghề, cấy nghề, cung cấp thông tin thi trường, tiêu thụ sản phẩm chưa rộng rãi và chặt chẽ.
Về cơ bản, chúng ta chưa khai thác tốt thị trường trong nước và xuất khẩu đối với các sản phẩm từ các ngành nghề nông thôn. Kiểu dáng, chất lượng nhiều loại sản phẩm còn kém, không đồng đều. Công tác đăng ký thương hiệu, thiết kế cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, kiểu dáng công nghiệp còn rất hạn chế. Chưa khai thác tốt tiềm năng du lịch trong việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Trong khi đó, công tác đào tạo, hướng dẫn, truyền nghề chưa được chú trọng đúng mức. Năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm của đội ngũ thợ còn hạn chế, hiểu biết về bản sắc văn hoá truyền thống chưa sâu. Việc giữ gìn, tôn vinh và tuyên truyền bản sắc văn hoá dân tộc trong sản phẩm truyền thống chưa được coi trọng.
- Lao động nông thôn chưa được đào tạo nghề chiếm tỷ lệ cao, kỹ năng, tay nghề của lao động còn hạn chế. Lao động được đào tạo mới chiếm khoảng 12% tổng số lao động nông thôn. Nội dung cũng như phương pháp đào tạo nghề hiện nay chưa theo kịp đòi hỏi của thị trường cũng như nhu cầu của người dân nông thôn.
- Người dân nông thôn chưa sẵn sàng đối phó với những thách thức của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mất đất sản xuất nông nghiệp. Nhiều hộ dân sau khi được đền bù khi Nhà nước thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi mục đích sử dụng đã không biết sử dụng để đầu tư có hiệu quả. Theo điều tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại 13 tỉnh, thành phố, đa số các hộ dân sử dụng tiền bồi thường để sửa chữa nhà cửa, mua sắm dụng cụ sinh hoạt, một số chuyển sang kinh doanh dịch vụ, một số gửi tiết kiệm, một số trường hợp sử dụng tiền bồi thường để rượu chè, cờ bạc, gây ra các tệ nạn xã hội vì thiếu kinh nghiệm, kiến thức. Đặc biệt đối với các gia đình nông dân bị thu hồi hết đất nông nghiệp mà không tạo được việc làm mới thì chỉ sau vài năm sẽ lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
Trong khi đó, chúng ta cũng chưa chú ý đúng mức đến việc tư vấn, cung cấp thông tin để những hộ dân có thể sử dụng khoản tiền được bồi thường một cách có hiệu quả nhất. Hơn nữa, nhiều lao động thuần nông sau khi bị thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn để tìm việc làm. Do thiếu kỹ năng và chưa được đào tạo một cách bài bản, hệ thống, nhiều lao động nông nghiệp rất khó tìm được việc làm ở các doanh nghiệp.
- Nhiều nơi do định hướng công tác văn hoá còn bất cập nên không phát huy được các phong tục tập quán lành mạnh, trong khi đó nhiều hủ tục lạc hậu, tiêu cực xuất hiện, đặc biệt là các biểu hiện tiêu cực trong giới trẻ. Trong những năm qua, bên cạnh việc khôi phục các lễ hội văn hoá truyền thống, đã có một số nơi các hủ tục lạc hậu như mê tín di đoạn đã xuất hiện trở lại và khá phổ biến, ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần cũng như đời sống của người dân địa phương. Đồng thời, nhiều hiện tượng tiêu cực trong sinh hoạt văn hoá cũng lan tràn từ đô thị về các vùng quê nông thôn.
- Sự nảy sinh những thách thức xã hội mới, một số tệ nạn xã hội đang tồn tại mang tính chất rất nghiêm trọng (như nghiện hút, cờ bạc) và khó có thể tiên đoán được một cách chính xác mức độ của thách thức trong tương lai do chúng gây ra.

Một số nguyên nhân cơ bản của những tồn tại nêu trên:
-         Chưa nhận thức đúng mức đến tác động của phát triển nông thôn đến môi trường, sinh thái, đời sống kinh tế xã hội và tinh thần của người dân. Cách tiếp cận trong các chương trình phát triển nông thôn trước đây cũng như của cán bộ từ cấp Trung ương đến địa phương, cán bộ cơ sở và của bản thân người dân là cách tiếp cận thiên về vật lực, luôn đòi hỏi và trông chờ được cấp vốn, cấp đất, cấp phương tiện,… Cán bộ các cấp, nhất là cấp Trung ương, xuống đến nông thôn, đến với người dân nông thôn như những người làm từ thiện (cơ quan này đỡ đầu huyện này, xã này; tổ chức kia đỡ đầu xã kia) hay để ban phát “bổng lộc” từ ngân sách Nhà nước.
-         Công tác vận động, khuyến khích người dân, cộng đồng không được quan tâm đúng mức do vậy gần như bị bỏ quên, hoặc chỉ làm hình thức. Do vậy, chưa phát huy được sự tham gia tích cực cũng như đóng góp nội lực của người dân, cộng đồng trong phát triển nông thôn. Hơn nữa, vai trò của cộng đồng trong phát triển nông thôn chưa được coi trọng đúng mức và phát huy. Ở những chương trình phát triển nông thôn trước đây, chúng ta mới tập trung nhấn mạnh hai yếu tố là vai trò quản lý và hỗ trợ của Nhà nước và động lực thúc đẩy của thị trường. Trong khi đó, để tạo ra sự phát triển bền vững, hài hoà, chúng ta cần phải kết hợp ba thể chế hợp lý: thể chế Nhà nước, thể chế thị trường và thể chế cộng đồng.
-         Chưa chú ý đúng mức đến tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho công tác phát triển nông thôn, năng lực tự vươn lên của người dân và cộng đồng.
-         Đội ngũ cán bộ nông thôn còn thiếu và yếu, chưa được đào tạo bài bản… Trong năm 2005, hệ thống các Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về phát triển nông thôn mới được thành lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, đại bộ phận cán bộ của các Chi cục chưa được đào tạo bài bản về phát triển nông thôn.  Trong khi đó, lực lượng cán bộ chủ chốt ở cấp xã còn nhiều hạn chế. Hiện nay, cán bộ chủ chốt tại các xã có trình độ trung, đại học chiếm khoảng 22%; cán bộ chủ chốt tại các hợp tác xã có trình độ trung, đại học khoảng 20%. Thời gian qua, công tác đào tạo cán bộ cơ sở ở nhiều xã đã được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhưng mới chỉ tập trung ở bề rộng, chưa có điều kiện đầu tư chiều sâu một cách hệ thống. Do vậy, mặc dù được chủ trương của Nhà nước  ngày càng phân cấp cho chính quyền địa phương cơ sở, nhưng ở nhiều xã, chính quyền xã chưa đủ năng lực vươn lên đảm nhiệm từ việc xây dựng kế hoạch, dự án, đến triển khai và giám sát. Hạn chế năng lực của chính quyền cấp xã phần nào làm chậm chủ trương phân cấp của Nhà nước.
Hệ thống các trường đào tạo cán bộ, chuyên gia về phát triển nông thôn hầu như chưa được hình thành. Một số cơ sở đào tạo có triển khai đào tạo, tập huấn về phát triển nông thôn nhưng thiếu chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo phù hợp.
Năng lực phổ biến thông tin, tuyên truyền, vận động quần chúng của cán bộ các cấp từ Trung ương đến địa phương, nhất là cán bộ cơ sở còn rất hạn chế hoặc hầu như chưa có; vì vậy, nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước đã không đi được vào cuộc sống, hoặc chậm được người dân hưởng ứng. Trong một số trường hợp, thiếu năng lực tuyên truyền, vận động của cán bộ có thể dẫn đến người dân hiểu không đúng, không đủ, hoặc thậm chí nghi ngờ tính hiệu lực của các chính sách được ban hành.
Thiếu hệ thống cơ chế chính sách để thu hút cán bộ và người tài về các vùng nông thôn. Vừa qua, đã có một số địa phương ban hành các ưu đãi nhằm thu hút cán bộ trí thức về công tác tại địa phương mình. Nhưng những chính sách đó hoặc chỉ nhằm thu hút trí thức về các đô thị thuộc các tỉnh, thành phố hoặc chưa được triển khai một cách có hệ thống trên toàn quốc. Do vậy, điều kiện ưu đãi cho cán bộ về công tác ở nông thôn vẫn chưa thực sự hoàn thiện và có hiệu quả bền vững. Các tầng lớp thanh niên trí thức nông thôn được sau khi được đào tạo không muốn trở về gắn bó xây dựng nông thôn. Do vậy, công tác huy động nguồn lực chất xám cho nông thôn gặp nhiều khó khăn. 
-         Nhà nước  thiếu cơ chế chính sách khuyến khích và hỗ trợ trực tiếp cộng đồng nông thôn vươn lên một cách có hiệu quả trên diện rộng. Chúng ta chưa có cơ chế khen thưởng để động viên, khích lệ những địa phương, những xã và những hộ nông dân làm tốt, năng động.
-         Sự phối hợp, hướng dẫn chỉ đạo của các Bộ, ngành cũng như phân rõ nhiệm vụ và nội dung phát triển nông thôn giữa các Bộ, ngành trong thời gian qua chưa được rõ ràng, kịp thời. Do vậy, các địa phương cũng gặp nhiều lúng túng, vướng mắc trong định hướng và nội dung của phát triển nông thôn.
Để giải quyết những tồn tại nêu trên, Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2006 – 2010 phải đảm bảo được ba yếu tố cơ bản: toàn diện, dựa vào người dân và cộng đồng, và bền vững. Chương trình xây dựng nông thôn mới được dựa trên niềm tin của chính những cư dân, những người hiểu rất rõ thực tế của vùng đất của mình và họ có thể và cần phải hợp tác một cách tích cực trong việc đưa ra giải pháp cho những vấn đề của chính người dân nông thôn.


PHẦN II

CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2006-2010

 

I.                  Căn cứ xây dựng chương trình

1.     Chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển nông thôn

Phát triển nông thôn luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Báo cáo Chính trị của Đại hội IX của Đảng đã chỉ rõ “Tăng cường sự chỉ đạo và huy động các nguồn lực cần thiết để đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn”.
Chủ trương của Đảng đã được cụ thể hoá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 của Chính phủ cũng như Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2001-2005 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2006-2010. Chiến lược Toàn diện về Tăng trưởng và Xoá đói Giảm nghèo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2002 cũng nêu rõ “Hiện nay, trên 77% cư dân sống ở nông thôn, 70% thu nhập và đời sống của cư dân nông thôn dựa vào nông nghiệp, 90% người nghèo sống ở nông thôn, do đó việc phát triển nông nghiệp và nông thôn là mấu chốt của Chiến lược Toàn diện về Tăng trưởng và Xoá đói giảm nghèo”.
Ưu tiên phát triển nông thôn cũng được thể chế hoá bằng nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch hàng năm và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện mục tiêu phát triển nông thôn, ưu tiên nguồn lực cho phát triển nông thôn.

2.     Đơn vị thực hiện Chương trình

Hiện nay, đa số các chương trình hỗ trợ đã và đang được triển khai ở nông thôn thường lấy xã làm đơn vị cơ sở để triển khai Chương trình. Ví dụ như Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xoá đói giảm nghèo và Việc làm, Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi (Chương trình 135), Chương trình phát triển nông thôn mới cấp xã… Việc lựa chọn xã là đơn vị cơ sở triển khai Chương trình có nhiều thuận lợi. Xã là đơn vị hành chính cơ sở thấp nhất, gần với người dân nông thôn, có bộ máy Đảng, chính quyền. Hơn nữa, theo Luật Ngân sách, xã cũng là đơn vị hành chính thấp nhất được giao quản lý ngân sách và được mở tài khoản.
Trong khi đó, trong một vài năm gần đây, đã có một số mô hình thí điểm về phát triển nông thôn theo vùng lãnh thổ tương đối rộng hơn (cấp huyện) như ở Thái Nguyên trong khuôn khổ hợp tác với Cơ quan Phát triển Tây Ban Nha (AECI). Phát triển nông thôn theo vùng là một cách tiếp cận phát triển nông thôn đã được áp dụng tương đối thành công ở Châu Âu cũng như ở châu Mỹ La tinh. Theo đó, vùng nông thôn là một đơn vị nông thôn địa phương tương đối đồng nhất, được đặc trưng bởi sự gắn kết xã hội nội bộ, có chung lịch sử, truyền thống và bản sắc chung v.v… Với phạm vi đủ lớn, mỗi vùng có thể phát triển một sản phẩm hàng hoá đặc trưng.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình, dự án phát triển nông thôn đã bước đầu thử nghiệm đơn vị thực hiện Chương trình là cấp thôn, bản và cộng đồng, như Chương trình 135 giai đoạn II, nhiều dự án được tài trợ của các tổ chức quốc tế, như Dự án Giảm nghèo tại các địa phương Việt Nam (LPRV) do Cơ quan phát triển Quốc tế Canađa (CIDA) tài trợ triển khai ở 05 tỉnh, thành phố Thái Nguyên, Nghệ An, Huế, Lâm Đông và thành phố Hồ Chí Minh, Dự án Phát triển Lâm nghiệp Xã hội Sông Đà do Cơ quan Phát triển Đức (GTZ) tài trợ được triển khai ở Sơn La và Hoà Bình,  Chương trình phát triển nông thôn miền núi phía Bắc do Cơ quan Phát triển Thuỵ Điển (SIDA) tài trợ được triển khai ở 07 tỉnh miền núi phía Bắc, Xây dựng mô hình nông thôn mới theo phương pháp phát huy nội lực của cộng đồng của Viện Qui hoạch và Thiết kế Nông nghiệp ở hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.
Trên thế giới, đã có nhiều kinh nghiệm thành công về phát triển nông thôn dựa trên cộng đồng cấp thôn, bản như Chương trình "Saemuel Undong" ở Hàn Quốc vào cuối thập kỷ 60 và đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Sự thành công của Mô hình Saemaul Undong là dựa trên các điểm cơ bản sau: (i) Phát huy nội lực của nhân dân là điều kiện cơ bản để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Nhân dân quyết định và làm mọi việc, nhà nước hỗ trợ một phần vật tư. (ii) Xác định tiêu chuẩn lựa chọn các làng xây dựng dự án phát triển làng mới. Nâng đỡ địa phương thành công để kích thích tinh thần thi đua giữa các làng. Xoá đói, giảm nghèo là mục tiêu phát triển nông thôn, nhưng không lấy xã nghèo làm tiêu chuẩn lựa chọn đầu tư. (iii) Phát triển sản xuất tăng thu nhập cho nông dân là trọng tâm của dự án phát triển làng mới. Tăng thu nhập cho nông dân bao gồm các nội dung: Tăng năng suất cây trồng; Xây dựng vùng chuyên canh; Phát triển chăn nuôi, trồng rừng, đa canh; Thúc đẩy hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. (iv) Đào tạo cán bộ phát triển làng làm then chốt cho triển khai các hoạt động phát triển làng mới. Nhân tố quan trọng nhất cho sự thành công của phong trào phát triển làng mới là đội ngũ cán bộ phát triển nông thôn cơ sở.
Trên thế giới, nhiều nước như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc.. đã xây dựng các phong trào thi đua phát triển nghề thủ công truyền thống khá thành công ở qui mô cấp thôn, làng. Hiện tại, Nhật Bản và Thái Lan đã có phong trào “mỗi làng một sản phẩm”, đem lại nhiều lợi thế cho người sản xuất và nền kinh tế cả nước trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới.
Phong trào ở Nhật Bản nhằm mục đích thúc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm thủ công đặc trưng của mỗi vùng. Trong quá trình tiến hành công nghiệp hoá nền kinh tế đất nước, ngành nghề thủ công Nhật bản bị phân hoá và phát triển theo hai hướng: một số ngành tiểu thủ công nghiệp đi lên CNH (chiếm ưu thế); một số khác tiếp tục theo hướng thủ công truyền thống. Bước vào những năm 1970, nhu cầu về hàng hoá tiêu dùng từ chỗ coi trọng tính hợp lý cơ năng, chuyển sang xu hướng đa dạng hoá và đề cao cá tính, coi trọng chất lượng, tính độc đáo hơn là số lượng theo kiểu tiêu chuẩn hoá đồng loạt. Các cuộc khủng hoảng về nhiên liệu và một số tài nguyên thiên nhiên khác trên thế giới vào những năm đó khiến Chính phủ Nhật Bản phải suy nghĩ lại về giá trị của các nghề thủ công truyền thống đã tồn tại lâu đời, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả. Trong khi đó hàng thủ công truyền thống Nhật Bản mất dần khả năng cạnh tranh so với hàng tiêu dùng sản xuất bằng công nghiệp, lại vấp phải hàng loạt khó khăn về thông tin thị trường, tiêu thụ, nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường, nguồn nhân lực bị hút ra thành thị, vào các ngành sản xuất hiện đại hoá ... Vì thế, các ngành nghề thủ công Nhật Bản đã bị suy thoái.
Trong bối cảnh đó Nghị viện Nhật Bản năm 1974 đã ban hành Luật Phát triển nghề thủ công truyền thống. Được sự hỗ trợ của Chính phủ, phong trào “mỗi làng một sản phẩm” (One Village, One Product) được khai sinh tại quận Oita vào năm 1979 với ý tưởng làm sống lại các ngành nghề thủ công truyền thống. Có hai khẩu hiệu nổi tiếng là: “Nghĩ về tổng thể, hành động ở địa phương” và “Độc lập và sáng tạo”. Nhờ phong trào này, một số sản phẩm truyền thống của Oita trở thành nổi tiếng không chỉ trong Nhật bản, mà còn cả trên thị trường nhiều nước. Từ thành công của quận Oita, sau 5 năm phát động cả nước Nhật  đã có 20 quận hưởng ứng với các dự án tương tự như “sản phẩm của làng”, “chương trình phát triển thành phố quê hương”, “chương trình làm sống lại địa phương”.... Tinh thần của phong trào này còn hấp dẫn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Phòng trào ở Thái Lan có tên gọi “One Tambon, One Product” hay còn gọi là “Thai Tambon Project” (tiếng Thái “Tambon” nghĩa là “làng”), được phát động sau khi Thủ tướng Thái Lan đi thăm cửa hàng “One Village, One Product” tại Nhật Bản. Chương trình này được giới thiệu tại Thái lan vào năm 1999 và chính thức đi vào hoạt động vào tháng 10 năm 2001. Trong chương trình này, Chính phủ Thái Lan hỗ trợ để mỗi làng làm ra một sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng và có chất lượng cao, chủ yếu hỗ trợ ở khâu tiếp thị, xúc tiến bán hàng, huấn luyện và chuyển giao công nghệ cho nông dân. Chính phủ Thái Lan cho biết chỉ trong 4 tháng đầu năm 2002 chương trình này đã đem lại 3,66 tỷ Baht (84,2 triệu USD) lợi nhuận cho nông dân. Năm 2003 doanh số bán hàng của các làng tham gia Chương trình “mỗi làng một sản phẩm” đã đạt mức 30,8 tỷ Baht, tăng 13% so với năm 2002. Dự kiến đạt 40 tỷ Baht trong năm 2004 và nhờ phong trào này mà nhiều người nước ngoài đó biết đến sản phẩm thủ công của Thái Lan.
Trên thực tế, ý tưởng người dân cùng tham gia trong cộng đồng để tự xây dựng và phát triển nông thôn đã có và đã được thực hiện từ lâu ở Việt Nam, chẳng hạn, trong chủ trương "ba cùng" những năm kháng chiến hoặc trong yêu cầu thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" từ khi đổi mới đến nay, và gần đây trong thực hiện "Quy chế dân chủ cơ sở". Nhiều địa phương đã có những phong trào người dân tự cùng nhau bàn bạc, tự huy động vốn để xây dựng thôn, ấp của mình, điển hình như ở các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang... Tại Bến Tre, người dân ở các ấp đã cùng nhau tự huy động vốn, tự quản và tự triển khai làm đường xi măng. Nhờ vậy, Bến Tre đã có đường ô tô đến trung tâm 158/160 xã, gần 60% đường lớn nhỏ ở thôn ấp được tráng nhựa hoặc xi măng. Bến Tre đã trở thành điểm sáng cho huy động sức dân không chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long và trên phạm vi cả nước.
Trên cơ sở đánh giá những ưu điểm và hạn chế trong việc lựa chọn đơn vị thực hiện Chương trình, Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2006-2010 sẽ lấy đơn vị cơ sở thực hiện chương trình là cộng đồng nông thôn cấp thôn, bản, xóm, ấp, phum, sóc (sau đây gọi là thôn), đơn vị để quản lý dự án cơ sở là xã. Với mục tiêu phát triển nông thôn dựa trên cộng đồng, trong phạm vi Chương trình này, thôn được chọn làm đơn vị thực hiện Chương trình: Thôn có qui mô tương đối nhỏ trong đó mọi hộ dân cơ bản đều biết nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau do vậy có thể tạo ra cộng đồng chặt chẽ, vững mạnh và gắn bó. Do vậy, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân cùng tham gia bàn bạc, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và cùng nhau triển khai. Một trong những hạn chế cơ bản trong việc lựa chọn thôn là đơn vị triển khai Chương trình đó là do các qui định tài chính hiện hành, theo đó, thôn không phải là đơn vị tiếp nhận ngân sách Nhà nước, không có dấu cũng như không được mở tài khoản. Để khắc phục khó khăn này, cộng đồng thôn sẽ thành lập một ban phát triển thôn có sự tham gia của đại diện chính quyền xã và đặt dưới sự giám sát của Uỷ ban nhân dân xã.

II.               Nguyên tắc thực hiện Chương trình

1.     Chương trình Xây dựng Nông thôn mới là một chương trình phát triển nông thôn toàn diện nhằm hỗ trợ phát triển đời sống của người dân nông thôn cả về kinh tế, xã hội và tinh thần. Giảm nghèo là mục tiêu của chương trình này nhưng Chương trình không lấy xã nghèo, hộ nghèo làm tiêu chuẩn để hỗ trợ, để tác động. Thay vào đó, Chương trình tập trung hỗ trợ cho những hộ, những cộng đồng, những xã làm tốt, làm giỏi; qua đó, động viên, khích lệ tinh thần thi đua, tính sáng tạo, dám nghĩa, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới của từng người dân nông thôn, từng cộng đồng xã, thôn trên cơ sở cùng hợp tác, cùng tham gia.
2.     Chương trình nhằm tạo ra phong trào quần chúng tự nguyện đóng góp và trực tiếp tham gia xây dựng nông thôn mới trên cả nước. Trong đó, Nhà nước  hỗ trợ, giúp đỡ hộ dân và cộng đồng dân cư ở cấp thôn thông qua các cơ chế chính sách phối hợp với các nguồn lực có thể huy động được một cách hợp lý phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách. Nguồn lực của Nhà nước chỉ được sử dụng làm động lực để phát huy nội lực của mỗi hộ dân, của từng cộng đồng và để khơi dây tinh thần tự lực, tư cường của người dân và cộng đồng. Do vậy, nguồn lực của Nhà nước  trong phạm vi chương trình chỉ được cấp cho những xã, thôn tự nguyện tham gia và đảm bảo tự phát huy nội lực là chính.
3.     Nội dung của chương trình có tính linh hoạt cao, đảm bảo phù hợp với đặc thù của các vùng khác, bản sắc, văn hoá cộng đồng khác nhau. Các hoạt động của chương trình do chính người dân tự thiết kế, tự đề xuất trên cơ sở bàn bạc dân chủ, công khai và quyết định thông qua cộng đồng. Ban Quản lý dự án, chính quyền các cấp chỉ đóng vai trò hướng dẫn, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện vai trò làm chủ của mình thông qua cộng đồng.
4.     Phân cấp rõ ràng và minh bạch trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng trong mọi hoạt động của chương trình từ khâu chọn lựa các hoạt động đến khâu cuối cùng

III.           Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quan

Mục tiêu của chương trình là nhằm phát triển nông thôn toàn diện, bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường, văn hoá và tinh thần thông qua khơi dạy nội lực và sự tham gia của chính người dân và cộng đồng nông thôn để hình thành phong trào quần chúng trong xây dựng nông thôn mới.

2.     Các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2010:

·        Thu nhập bình quân của các hộ dân nông thôn trong phạm vi Chương trình tăng lên 1,45 lần so với năm 2005;
·        Giảm 50% số hộ nghèo ở các xã thuộc Chương trình;
·        200.000 cán bộ cơ sở và cán bộ phát triển nông thôn ở các cấp được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về phát triển nông thôn;
·        500.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề;
·        1.500.000 lượt hộ nông dân được hỗ trợ phát triển sản xuất nông – lâm – ngư – diêm nghiệp, ngành nghề phi nông nghiệp;
·        95% số hộ đạt hộ gia đình văn hoá;
·        Cộng đồng thôn thông qua ban phát triển thôn được nâng cao năng lực, và phát huy vai trò trong phát triển nông thôn ở 3.000 xã;
·        Phát triển thêm 1.000 làng đạt danh hiệu làng nghề với những tiêu chí của chương trình. Để đạt danh hiệu làng nghề trong chương trình này thì trong làng (hoặc thôn, ấp, bản) phải có ít nhất 30% số hộ hoặc lao động tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn.

3.     Quan điểm chỉ đạo

Chương trình xây dựng nông thôn mới phải huy động được nội lực tại chỗ; đảm bảo dân chủ và động viên sự tham gia của đông đảo nhân dân, cộng đồng về lao động và tài chính với vai trò hỗ trợ và hướng dẫn của Nhà nước; khơi dậy tinh thần cần cù và khích lệ sức sáng tạo và sự hợp tác của người dân nông thôn. Đảm bảo phát triển nông thôn bền vững, hài hoà với môi trường.
Thực hiện theo phương châm nhân dân làm là chính, nhà nước hỗ trợ chủ yếu về mặt kỹ thuật, tập huấn, tăng cường năng lực và một phần nhỏ khác dưới dạng vật tư, nguyên, vật liệu. Theo đó, "người dân địa phương chịu trách nhiệm chính và thực hiện việc xây dựng và phát triển thôn ấp mới; Trung ương, tỉnh, huyện đóng vai trò tư vấn và hỗ trợ."
Theo quan điểm này, lực lượng tham gia vào hệ thống phát triển nông thôn nói chung và phát triển thôn ấp nói riêng được chia thành 2 cấp: (i) Cấp hỗ trợ từ trên xuống hay từ bên ngoài cộng đồng cư dân thôn ấp và (2) cấp thực hiện là cộng đồng dân cư mà người dân tại đó là tác nhân chính của phát triển nông thôn. Vai trò của cấp hỗ trợ là xây dựng khung pháp luật, hoạch địch chính sách hỗ trợ cho phát triển nông thôn, cung cấp các dịch vụ tư vấn, hướng dẫn về phương pháp phát triển nông thôn và chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến, cung cấp thông tin phù hợp kịp thời, giúp đỡ hỗ trợ công đồng cư dân nông thôn khơi dậy, phát huy nội lực của người dân để người dân có đủ tự tin và năng lực tận dụng và sử dụng các cơ hội phát triển và nguồn hỗ trợ tài chính cho các hoạt động phát triển một cách có hiệu quả và hữu hiệu hơn.
Chương trình được xây dựng và thực hiện với sự tham gia phối hợp chặt chẽ giữa các cấp các ngành từ trung ương tới địa phương, thực hiện tối đa việc lồng ghép các hoạt động phát triển trên địa bàn nhằm đạt hiệu quả phát triển nông thôn cao nhất.

IV.            Phạm vi hoạt động của chương trình

1.     Phạm vi hoạt động của chương trình

Về cơ bản, chương trình được thực hiện tại các làng, thôn, bản, ấp, khóm thuộc các xã nằm ngoài “Chương trình 135 giai đoạn II” và “Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2006-2010”, bao gồm khoảng 5.800 xã trên toàn quốc[1]. Trong giai đoạn 2006-2010, chương trình được thực hiện cho 3000 xã có năng lực và tự nguyện tham gia. Đơn vị hoạt động của chương trình là cấp thôn, bản. Mỗi xã tham gia chương trình chỉ được chọn một thôn, bản, ấp, phum, sóc.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với các địa phương chọn 2000 xã của 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện Chương trình trong giai đoạn 1 từ 2006-2008. Trong quá trình thực hiện chương trình, hàng năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện, trên cơ sở đó xác định 1000 xã làm tốt để tiếp tục hỗ trợ trong giai đoạn hai từ 2009 đến 2010, đồng thời bổ sung thêm 1000 xã được tham gia chương trình trong giai đoạn hai.

2.     Lựa chọn xã, thôn tham gia chương trình

          Lựa chọn xã, thôn tham gia chương trình dựa vào các căn cứ sau đây:
- Không thuộc các xã, thôn trong phạm vi của Chương trình 135 giai đoạn II và Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Giảm nghèo Giai đoạn 2006-2010;
- Có đơn xin tham gia chương trình thể hiện sự tự nguyện tham gia và sự nhất trí cao của nhân dân (ý kiến nhất trí của đa số dân) của xã, thôn.
- Có cam kết của người dân về tự nguyện đóng góp nguồn vốn theo đúng tỷ lệ của Chương trình đã đặt ra đối với từng Dự án thành phần;
- Có cán bộ năng động, nhiệt tình với công tác của xã, thôn
- Các tổ chức xã hội hoạt động tích cực, sâu sát với đời sống của người dân;
- Được sự đồng ý, chấp thuận và có đề nghị của huyện, tỉnh phê duyệt dự án.

V.               Nội dung Chương trình Xây dựng nông thôn mới

Nội dung của Chương trình Xây dựng Nông thôn mới bao gồm bốn dự án hỗ trợ. Trong đó, Dự án 1 tập trung vào công tác đào tạo, nâng cao năng lực. Dự án 2 hỗ trợ nâng cao điều kiện sống của người dân. Dự án 3 và 4 hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn.

1. Dự án 1: Đào tạo nâng cao năng lực phát triển cộng đồng

          a. Mục tiêu và đối tượng:
          - Mục tiêu: Nâng cao năng lực về phát triển nông thôn cho cán bộ cơ sở và cán bộ phát triển nông thôn và năng lực phát triển cộng đồng của người dân nông thôn; thông qua tạo điều kiện cho cộng đồng tự thiết kế, triển khai, theo dõi và giám sát các dự án hỗ trợ khác trong Chương trình một cách hiệu quả;
          - Đối tượng: có hai đối tượng cơ bản: (i) Cán bộ cơ sở/cán bộ phát triển nông thôn bao gồm cán bộ làm công tác phát triển nông thôn ở cấp tỉnh, huyện, xã, trưởng thôn, bản; cán bộ tham gia công tác phát triển nông thôn của các tổ chức đoàn thể (Hội nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu Chiến binh) trên phạm vi cả nước, đặc biệt ưu tiên đội ngũ cán bộ ở cấp xã, thôn, bản; (ii) người dân nông thôn
b. Nội dung thực hiện
(i). Đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở và cán bộ phát triển nông thôn
- Nghiên cứu, đánh giá nhu cầu đào tạo về phát triển nông thôn ở tất cả các cấp tỉnh, huyện, xã và thôn, trong đó tập trung ở cấp xã và thôn;
- Xây dựng và hoàn thiện chương trình, nội dung, phương pháp, bộ tài liệu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở và cán bộ nông thôn về phát triển nông thôn ở các trường Đại học cũng như các trường đào tạo cán bộ quản lý một cách phù hợp với yêu cầu của đội ngũ cán bộ chuyên trách về phát triển nông thôn ở từng cấp, cán bộ đoàn thể xã hội các cấp, trưởng thôn, bản;
- Tổ chức các lớp đào tạo, tăng cường năng lực cho cán bộ chủ chốt của cơ sở tại xã, thôn, làng, bản..., cán bộ hoạt động trong các tổ chức chính trị - xã hội ở nông thôn (tổ chức tuyển lựa đối tượng, đào tạo, hỗ trợ...tăng cường năng lực), cán bộ về phát triển nông thôn do các cơ quan chuyên ngành điều động về nông thôn. Cụ thể như sau:
+ Kiến thức và kỹ năng lập, quản lý và thực hiện các dự án phát triển nông thôn;
+ Kiến thức và kỹ năng phát hiện nhu cầu của cộng đồng thôn, bản; phương pháp huy động sự tham gia của người dân, cộng đồng; phương pháp huy động nguồn lực ở cộng đồng
+ Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, năng lực về theo dõi và giám sát việc thực hiện các hoạt động của dự án; thu thập thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu về phát triển nông thôn;
+ Kiến thức và kỹ năng vận hành và bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn quy mô nhỏ, thiết lập các tổ, nhóm quản lý, vận hành và duy tu, bảo dưỡng công trình;
+ Kiến thức quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường;
+ Kiến thức và kỹ năng giao tiếp và vận động quần chúng;
+ Kiến thức về nội dung, phương pháp xây dựng thôn, xã văn hoá;
(ii).Xây dựng các trường đào tạo về cán bộ nông thôn và đào tạo nghề cho lao động nông thôn
- Rà soát lại hệ thống các trường đào tạo cán bộ phát triển nông thôn và trường đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
- Xây dựng thí điểm các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phát triển nông thôn và đào tạo nông dân tại các vùng trọng điểm như Đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên;
- Xây dựng và hoàn thiện giáo trình đào tạo, bồi dưỡng về phát triển nông thôn cho các trường;
- Đào tạo đội ngũ “tiểu giáo viên” để họ đi tập huấn cho cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở;
(iii) Nâng cao năng lực cộng đồng
- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn ngắn hạn về cộng đồng cho người dân nông thôn, phát triển năng lực thể chế trong cộng đồng (tổ chức, quản lý, chế tài, phân phối lợi ích...).
- Hỗ trợ các cộng đồng nâng cao thể chế quản lý, tự quản của cộng đồng như xây dựng và thực hiện các hương ước, qui ước, nội qui về việc cưới, việc tang, lễ hội…Phát huy vai trò của trưởng làng, trưởng bản, trưởng dòng họ…và các tổ chức tôn giáo tại địa phương (Phật, Tin lành, Thiên chúa…), xây dựng và phấn đấu được công nhận làng xã văn hoá. Thực hiện đoàn kết trong toàn dân, xây dựng các mối quan hệ tốt trong thôn, xóm, làng, bản. Phát huy tinh thần thương yêu đùm bọc, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, phòng chống và đấu tranh chống lại các tệ nạn xã hội như ma tuý, cờ bạc, rượu chè...
- Xây dựng phương pháp và hỗ trợ người dân nông thôn tổ chức các cuộc họp của cộng đồng để cùng nhau trao đổi, xác định nhu cầu phát triển của cộng đồng cũng như tham gia vào việc thiết kế, xây dựng, triển khai, theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án triển khai tại cộng đồng. Qua hàng loạt các cuộc họp hội đồng chung, người dân đã học được dân chủ, đoàn kết không chỉ qua sách vở mà bằng hành động xây dựng một cộng đồn tốt đẹp hơn. Trên cơ sở đó, tạo ra sự cam kết cộng đồng và gắn kết xã hội nông thôn mà mục đích của cam kết là có thể bàn bạc tập thể về tương lai của thôn, làng, bảo đảm sự cân bằng về cơ hội và nhu cầu của mọi thành viên trong cộng đồng.
- Từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của các nguồn lực nông thôn, bí quyết, di sản văn hoá và chất lượng cuộc sống. Nhờ vậy, cộng đồng của từng thôn, làng có thể xác định được bản sắc của mình, làm hồi sinh lại những bản sắc vốn có của địa phương;
- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn để hỗ trợ người dân nông thôn tự cùng nhau bàn bạc, trao đổi để đề xuất kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ nâng cấp điều kiện ở của cộng đồng/hộ dân trong Dự án 2.
(iv) Đào tạo nghề cho lao động nông thôn:
-         Nghiên cứu, đánh giá nhu cầu đào tạo nghề của lao động nông thôn;
-         Xây dựng và hoàn thiện chương trình, nội dung, phương pháp, bộ tài liệu về đào tạo nghề cho lao động nông thôn;
-         Phối hợp với các trường đào tạo nghề của các tỉnh để tổ chức các lớp đào tạo nghề cho người dân nông thôn
b. Cơ chế thực hiện:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Nội vụ trong việc kiện toàn đội ngũ cán bộ phát triển nông thôn ở các cấp, nhất là cấp cơ sở;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế để đánh giá nhu cầu đào tạo và xây dựng chương trình, nội dung đào tạo, xuất bản tài liệu đào tạo, tổ chức các khoá đào tạo giảng viên về phát triển nông thôn;
- Vận động các tổ chức quốc tế; hợp đồng với các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp trong việc đánh giá nhu cầu đào tạo, kết quả đào tạo, hỗ trợ xây dựng chương trình, nội dung đào tạo và thực hiện các khoá đào tạo, tập huấn cho các giảng viên của các địa phương và tổ chức đoàn thể;
- Vận động các tổ chức quốc tế; hợp đồng với các đơn vị tư vấn để hỗ trợ người dân nông thôn trong việc tổ chức và triển khai các hoạt động phát triển cộng đồng: như hội họp, thảo luận, trao đổi thông tin;
c. Nhu cầu vốn hỗ trợ
- Tổng nguồn vốn là 500 tỷ đồng. Trong đó, Ngân sách Trung ương hỗ trợ 200 tỷ đồng, Ngân sách địa phương 100 tỷ đồng, người dân tự đóng góp 75 tỷ đồng, huy động quốc tế là 125 tỷ đồng.
Hai Dự án 2, 3 và 4 sẽ tập trung vào hỗ trợ các cộng đồng thôn triển khai các tiểu dự án về nâng cao cơ sở vật chất cũng như hiệu quả sản xuất của người dân và cộng đồng. Kết quả chủ yếu của ba dự án này không phải ở phương diện kinh tế mà ở phương diện nâng cao năng lực phát triển nông thôn của người dân và cộng đồng, nghĩa là nâng cao năng lực của người dân và cộng đồng tự vươn lên để làm giàu. Qua đó, làm thay đổi nhận thức của người dân và cộng đồng, khiến họ thấy rằng phát triển nông thôn trước hết phải là công việc của chính họ; do đó, người dân và cộng đồng sẽ chuyển từ thụ động sang chủ động, từ chỗ ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước và các tổ chức khác sang chỗ chủ động tìm các giải pháp hữu hiệu để thoát nghèo, làm giàu, từ chỗ coi mình chỉ là người thực hiện dự án sang trở thành người trực tiếp tham gia lập dự án, từ chỗ quen đặt ra câu hỏi "Dự án cho chúng tôi bao nhiêu tiền?" sang chỗ bắt đầu đặt ra câu hỏi mới "Cần Xây dựng Dự án như thế nào để có thể thu hút được nguồn vốn, thực sực giảm được nghèo và làm giàu?".
Dự án 2, Dự án 3 và dự án 4 đóng vai trò rất quan trọng vì đó chính là nơi để cán bộ cơ sở, người dân và cộng đồng thử nghiệm, áp dụng các kiến thức đã được học vào thực tế, thu hút sự tham gia của các cán bộ địa phương, người dân và cộng đồng vào các giai đoạn của chu trình lập, thực hiện, quản lý, giám sát và đánh giá dự án. Dự án ở các thôn cũng là nơi thực sự "vừa học vừa làm" và chỉ qua quá trình "vừa học vừa làm" này (chứ không thể chỉ dừng lại ở việc học lý thuyết trong Dự án 1) mới có thể thực sự nâng cao được năng lực của cán bộ cơ sở, người dân và toàn bộ cộng đồng.
Để các thôn có thể triển khai ba dự án hỗ trợ này là phải thành lập Ban phát triển thôn

2. Dự án 2: Nâng cấp điều kiện sống cho người dân nông thôn

a.Mục đích và đối tượng:
Mục đích: hỗ trợ người dân nông thôn tự cải thiện và nâng cấp điều kiện ở của thôn, bản và của chính gia đình mình qua đó tạo điều kiện cho người dân phát huy nội lực và gắn bó với cộng đồng nơi họ sinh sống thông qua cùng bàn bạc và cùng triển khai các hoạt động cải thiện điều kiện ở.
Đối tượng: 2000 thôn, bản thuộc 2000 xã được lựa chọn trên cơ sở các xã tự nguyện đăng ký tham gia chương trình trong giai đoạn 1 của Chương trình từ 2006-2008. Trên cơ sở đó, sẽ lựa chọn 1.000 thôn, bản làm tốt để tiếp tục hỗ trợ trong giai đoạn 2 của Chương trình từ 2009-2010, đồng thời bổ sung thêm 1.000 thôn mới tham gia chương trình.
b. Nội dung thực hiện:
(i). Qui hoạch lại các khu dân cư nông thôn
- Trên cơ sở kiến thức thu được từ Dự án 1 về đào tạo, nâng cao năng lực cộng đồng, mỗi cộng đồng thôn tự xây dựng và hoàn chỉnh một bản kế hoạch triển khai công tác qui hoạch của làng mình. Thực hiện công tác qui hoạch các khu dân cư, bao gồm nhà ở, các công trình phúc lợi cộng đồng phù hợp với điều kiện của địa phương, đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường và phù hợp với qui hoạch chung của xã, huyện, tỉnh. Lập qui hoạch và xây dựng kế hoạch được thực hiện trên cơ sở sự tham gia trực tiếp của nhân dân và cộng đồng trên địa bàn;
- Bản kế hoạch và qui hoạch phát triển của làng sẽ được đệ trình để xã phê duyệt trước khi chuyển lên Ban Quản lý dự án cấp huyện/tỉnh xem xét và quyết định hỗ trợ.
 (ii). Cải tạo điều kiện sinh hoạt của khu dân cư
- Căn cứ trên qui hoạch khu dân cư, người dân thông qua bàn bạc trong cộng đồng để đưa ra quyết định lựa chọn một hoặc một số nội dung triển khai, bao gồm:
+ Đường làng, đường kết nối giữa đường nội bộ làng;
+ Hệ thống tiêu thoát nước thải;
+ Hệ thống xử lý rác thải đơn giản (ví dụ như quy hoạch và xây dựng nơi đổ rác chung cho cộng đồng);
+ Cấp nước sinh hoạt nông thôn... Tuỳ theo điều kiện cụ thể của địa phương, hỗ trợ xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung hoặc phân tán để đảm bảo cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh (như bể nước chung của cộng đồng);
+ Phục hồi các công trình văn hóa - lịch sử
+ Nâng cấp trạm y tế;
+ Nâng cấp các phòng học mầm non, mẫu giáo;
+ Xây dựng chợ;
+ Xây dựng, nâng cấp hội trường cho thôn hoặc trung tâm hội họp/văn hoá của cộng đồng. Hội trường của thôn sẽ đóng vai trò quan trọng đối với phát triển cộng đồng. Sau khi có hội trường, các cuộc họp của cộng đồng sẽ được tổ chức ở hội trường, và từng bước nó sẽ trở thành địa điểm gắn kết người dân với cộng đồng và thực hiện quá trình bàn bạc dân chủ, công khai của người dân. Điều này khiến cho việc xây dựng và tu bổ hội trường làng trở thành nhu cầu cấp thiết và đóng vai trò như “đình làng” trước đây;
+ Làm sân thể thao (bóng đá, cầu lông,...);
+ Làm bồn hoa, trồng cây xanh, cây cảnh dọc đường làng;
+ Xây cổng làng, thôn;
- Tập huấn hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng để chuyển giao hệ thống cho người dân quản lý. Chuyển giao đường làng, ngõ xóm, đường nối kết, hội trường/đình làng cho người dân địa phương trực tiếp quản lý, huy động sức người sức của trong dân duy tu bảo dưỡng hệ thống.
(iii). Cải thiện nhà ở của các hộ nông dân
- Xây dựng và nâng cấp nhà ở cho người dân thông qua việc phát động phong trào xoá nhà tạm, nhà tranh tre nứa lá đảm bảo điều kiện ở tốt hơn.
- Thực hiện việc hỗ trợ người dân xây dựng, cải tạo các công trình vệ sinh trong gia đình như bếp ăn, khu tắm rửa, nhà tiêu, hầm biogas cho khu chăn nuôi…
c.Cơ chế thực hiện:
- Ngân sách Trung ương hỗ trợ cho mỗi làng, thôn, bản không quá 100 triệu/năm trong 3 năm đầu của giai đoạn 1 của Chương trình cho tổng số 2.000 thôn. Tuy nhiên, mức hỗ trợ thực tế sẽ dựa trên bản đề xuất của thôn, bản và mức cam kết vốn đóng góp của người dân, cộng đồng. Trong 2 năm của giai đoạn 2 của Chương trình, Ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ cho mỗi thôn, bản không quá 100 triệu/năm cho 1.000 thôn được lựa chọn là những thôn làm tốt trong giai đoạn 1 của Chương trình. Đồng thời, trong giai đoạn 2 sẽ bổ sung thêm 1.000 thôn mới tham gia chương trình với mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương không quá 100 triệu/năm cho mỗi thôn.
- Ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa 40%, ngân sách địa phương đóng góp không thấp hơn 15%, đóng góp của người dân không thấp hơn 35%, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế khoảng 10%.
d. Nhu cầu vốn
Tổng nhu cầu vốn là 2500 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương đóng góp không thấp hơn 375 tỷ đồng, đóng góp trực tiếp của người dân và cộng đồng 875 tỷ đồng, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế 250 tỷ đồng.

3.  Dự án 3: Hỗ trợ người dân phát triển sản xuất hàng hoá nông nghiệp, dịch vụ nông thôn để nâng cao thu nhập

a.Mục đích và đối tượng
          Mục đích: Hỗ trợ trực tiếp các hộ dân nông thôn về kiến thức, kỹ năng xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất – dịch vụ hợp lý, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào tổ chức sản xuất và kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm để tăng thu nhập bền vững.
          Đối tượng: các hộ dân tại 2000 thôn thuộc các xã tự nguyện tham gia chương trình. Việc lựa chọn các hộ được hỗ trợ trên cơ sở bàn bạc công khai và dân chủ trong cộng đồng. Trong số 2000 thôn tham gia giai đoạn 1, 1000 thôn thực hiện tốt sẽ được lựa chọn để tiếp tục hỗ trợ trong giai đoạn 2 của Chương trình; đồng thời, sẽ có 1.000 thôn mới sẽ được bổ sung vào tham gia chương trình trong giai đoạn 2.
b. Nội dung thực hiện
-         Trang bị kiến thức và kỹ năng ra các quyết định sản xuất kinh doanh, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường, điều kiện tự nhiên và lợi thế cạnh tranh của địa phương;
-         Trang bị kiến thức và kỹ năng về sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn thông qua áp dụng khuyến nông, khuyến công có sự tham gia của dân, hội nghị đầu bờ, tập huấn trên cơ sở mô hình thực tế. Gắn kết chặt chẽ khuyến cáo tiến bộ kỹ thuật với giới thiệu phương pháp tổ chức sản xuất, bảo quản chế biến, hạch toán kinh tế và tiêu thụ sản phẩm;
-         Trang bị kiến thức về đánh giá, dự báo tác động của sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn đối với môi trường; phổ biến thông tin, tiến bộ kỹ thuật nhằm làm giảm tối thiểu tác động xấu của sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đối với môi trường;
-         Hỗ trợ việc hình thành và tổ chức hoạt động của các tổ chức khuyến nông tự quản như câu lạc bộ khuyến nông, nhóm tín dụng - tiết kiệm, nhóm nông dân cùng sở thích, quản lý tổng hợp dịch hại IPM, nhóm sử dụng nước;
-         Củng cố quan hệ sản xuất, tăng cường hoạt động của các hợp tác xã và các tổ hợp tác thực hiện mối liên kết 4 nhà trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức tốt các dịch vụ phục vụ cho sản xuất và đời sống như: cung ứng vật tư, hàng hoá, nước sinh hoạt, điện, tư vấn kỹ thuật, cung ứng vốn tín dụng, dịch vụ du lịch…
c. Cơ chế thực hiện
-         Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương xây dựng  Dự án khung bao gồm các nội dung về khuyến nông - lâm - ngư -diêm nghiệp;
-         Cộng đồng của mỗi thôn sẽ tự xây dựng một dự án đề xuất hoạt động hỗ trợ người dân phát triển sản xuất hàng hoá và dịch vụ và được chính quyền xã chấp thuận. Trên cơ sở đó, Ban quản lý dự án cấp tỉnh sẽ lựa chọn những đề xuất khả thi nhất để hỗ trợ;
-         Ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa 40%, ngân sách địa phương đóng góp không thấp hơn 15%, người dân và cộng đồng tự đóng góp không thấp hơn 35% và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế 10%.
d. Nhu cầu vốn
-         Ngân sách Nhà nước hỗ trợ bình quân mỗi thôn tham gia Chương trình được hỗ trợ 50 triệu đồng/năm cho 2.000 thôn trong 3 năm đầu của giai đoạn 1 của dự án. Trong số đó, 1.000 thôn làm tốt sẽ được lựa chọn để hỗ trợ tiếp 50 triệu đồng/năm trong 2 năm sau của giai đoạn 2 của dự án, đồng thời bổ sung 1.000 thôn mới tham gia chương trình trong giai đoạn 2.
-         Tổng số vốn của dự án là 1.250 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương không quá 500 tỷ đồng, vốn đóng góp của chính quyền địa phương 187,5 tỷ đồng, vốn tự đóng góp của dân và cộng đồng là 437,5 tỷ đồng, và vốn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế là 125 tỷ đồng.

4. Dự án 4: Mỗi làng một nghề

          a. Nội dung Dự án:
Cộng đồng dân cư trong mỗi thôn tự xây dựng được dự án phát triển ngành nghề cụ thể với mục tiêu sát thực, tạo dựng, khôi phục và phát triển ít nhất một nghề sản xuất phi nông nghiệp phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế và hướng phát triển của địa phương.
i) Đối với các thôn chưa có nghề phi nông nghiệp
Xây dựng các dự án khôi phục nghề cũ (nếu có), cấy nghề phi nông nghiệp, chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống nông thôn.
Việc tổ chức cấy nghề phải trên cơ sở tìm hiểu thị trường, liên doanh, liên kết với các cơ sở đang sản xuất sản phẩm tương tự, tạo điều kiện để các nghệ nhân truyền nghề, mở lớp đào tạo thợ, hỗ trợ cơ sở vật chất để dựng lại nghề và tiếp thị, lựa chọn các hộ có đủ điều kiện để phát triển nghề, dần thành lập các cơ sở sản xuất tại địa phương.
Phát triển các dịch vụ nông thôn thành các nghề phổ biến, được hưởng các chính sách ưu tiên phát triển của địa phương, tạo điều kiện hình thành trung tâm phát triển các dịch vụ của làng, xã. Khuyến khích các làng đã đạt tiêu chí làng nghề đầu tư phát triển nghề tại các làng chưa có nghề.
ii) Đối với những thôn đã có nghề nhưng chưa đạt tiêu chí làng nghề
Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp và các nhà hỗ trợ để cải tiến mẫu mã, cung cấp vốn và thông tin thị trường; đào tạo nâng cao năng lực quản lý kinh doanh của các chủ cơ sở sản xuất, tay nghề thợ thủ công, truyền nghề… Trên cơ sở đó thu hút nhiều hơn nữa số hộ, số lao động tham gia làm nghề, nâng cao thu nhập.
Trong số các nghề chọn ra ít nhất một nghề có lợi thế nhất để lập kế hoạch phát triển dài hạn, tập trung nguồn lực, có chính sách ưu đãi thích hợp, phát triển sản phẩm theo hướng củng cố nâng cao kỹ năng truyền thống, đưa công nghệ mới vào các khâu sản xuất, làm rõ nét văn hoá truyền thống của địa phương trong sản phẩm, thành lập hiệp hội ngành nghề; xây dựng, quảng bá rộng rãi thương hiệu, tiếp thị, bán hàng, quan tâm giải quyết vấn đề môi trường, biến sản phẩm đó thành sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương, phát triển bền vững…
Đối với các địa phương có nghề truyền thống đã, hoặc có nguy cơ bị mai một, cần nhanh chóng có kế hoạch khôi phục, bảo tồn, lưu giữ nét văn hoá truyền thống  trong sản phẩm, bí quyết làm nghề, đồng thời thiết kế những sản phẩm mới phù hợp với thị trường tiêu thụ hiện đại, nâng cao khả năng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
iii) Xây dựng chuỗi liên kết “nhiều làng một nghề”
Để thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng chuyên môn hoá, năng suất, chất lượng cao, nguồn hàng ổn định, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tránh cạnh tranh không lành mạnh, các địa phương, làng nghề tuỳ theo điều kiện cụ thể của mình tham gia vào chuỗi sản xuất kinh doanh một hoặc một nhóm sản phẩm ở những công đoạn khác nhau, từ sản xuất nguyên liệu, gia công bán thành phẩm đến tình chế, tiêu thụ, xuất khẩu Đặc biệt chú trọng phát triển mối liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu với gia công bán thành phẩm ở các làng xung quanh, nhất là nơi chưa có nghề phi nông nghiệp.
iv) Phát triển làng nghề gắn với phát triển thị tứ
          Mỗi tỉnh, huyện và các xã (nếu đủ điều kiện) xây dựng trung tâm hỗ trợ phát triển nghề trên địa bàn, bao gồm một số khu vực như: khu vực trưng bày, lưu giữ các sản phẩm truyền thống cùng với các nội dung văn hoá liên quan đến chúng; khu vực triển lãm, trình diễn công nghệ sản xuất; khu vực đào tạo thợ trẻ; khu vực giao dịch, cung cấp thông tin và bán sản phẩm cho khách du lịch… Ngoài ra có kế hoạch từng bước hình thành các trung tâm, thị tứ để thúc đẩy các nghề phát triển.
          Các xã chưa đủ điều kiện thì giai đoạn đầu tập trung xây dựng ngành nghề và hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện cho các cơ sở ngành nghề phát triển, ưu tiên thu hút các các doanh nghiệp liên kết với các hộ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mở mang chợ nông thôn, tiến tới hình thành trung tâm khi có điều kiện.   
v) Nội dung phát triển các loại hình ngành nghề nông thôn
- Đối với các ngành nghề phát triển theo xu hướng sản xuất công nghiệp thì trong dự án phát triển cần khuyến khích mở rộng quy mô, tập trung vốn, tạo mặt bằng sản xuất thuận lợi trong các khu/cụm công nghiệp ngành nghề địa phương, thu hút liên kết, góp vốn, xúc tiến hình thành các công ty, xí nghiệp, hoặc các tổ chức kinh tế cổ phần.
- Đối với những ngành nghề mang bản sắc văn hoá, truyền thống dân tộc  cần phải đa dạng hoá các hướng phát triển để thích nghi với thị trường mới:
+ Sử dụng nguyên liệu truyền thống và kỹ xảo cổ truyền là chính, kết hợp với áp dụng kỹ thuật hoặc công nghệ ở một số khâu sản xuất, tạo ra hai dòng sản phẩm có giá trị phi vật thể cao. Một là những sản phẩm mang bản sắc văn hoá dân tộc truyền thống, phục vụ thị hiếu hàng sưu tầm, quà tặng, trưng bày ở gia đình hoặc cơ quan văn hoá, phục vụ sinh hoạt hội hè, tín ngưỡng… Hai là những sản phẩm phục vụ thị hiếu hiện đại, như hội hoạ, điêu khắc, tạo hình với cách thể hiện hiện đại, nhưng làm bằng nguyên liệu cổ truyền hoặc nguyên liệu độc đáo, bằng kỹ xảo thủ công truyền thống…
+ Áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới phong phú hơn, trình độ cơ giới hoá cao hơn tạo sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, mở rộng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
- Đối với các nghề sản xuất nông lâm sản, thực phẩm chế biến tại các hộ, cơ sở nhỏ và vừa cần tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến, cải tiến hình thức, mẫu mã và nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tổ chức thành các hiệp hội, mở rộng nghề sang các địa phương khác, tạo nguồn hàng phong phú, tốt, rẻ, có khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa và tiến tới liên kết xuất khẩu.
- Đối với các dịch vụ nông thôn: Trong mỗi làng, xã nâng cao mức độ chuyên môn hoá các khâu cơ khí phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp; vận chuyển nông thôn; cung ứng vật tư nông nghiệp gắn với tiêu thụ nông sản; sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị; sản xuất vật liệu cho ngành nghề thủ công và xây dựng nông thôn; tạo điều kiện để phát triển dịch vụ phục vụ các khu/cụm công nghiệp địa phương, hình thành thêm nhiều nghề thu hút nhiều lao động. Mở rộng các hình thức nuôi trồng sinh vật cảnh, sinh vật đặc sản…
b. Cơ chế thực hiện
Trên cơ sở các dự án phát triển ngành nghề của làng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Nhà nước cấp kinh phí từ ngân sách trung ương và địa phương để hỗ trợ các dự án thuộc Chương trình với đối tượng là các làng đã được lựa chọn. Đối với các làng đã đạt tiêu chí làng nghề, có thể được cấp kinh phí để thực hiện các dự án phát triển ngành nghề tại các làng đã được lựa chọn trên.
Việc hỗ trợ cho các dự án thuộc Chương trình được thực hiện theo nguyên tắc:
- Hỗ trợ toàn bộ kinh phí tập huấn cán bộ chủ chốt của các làng, xã; lập và thẩm định các dự án.
- Hỗ trợ toàn bộ kinh phí mở các lớp đào tạo, truyền nghề tại làng và tại các cơ sở đào tạo cho ngành;
- Hỗ trợ toàn bộ kinh phí chuyển giao công nghệ mới (nhất là công nghệ bảo quản, chế biến nông lâm sản, thực phẩm đảm bảo VSATTP);
- Hỗ trợ 50% kinh phí trang bị máy móc để làm mặt hàng mới, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất.
- Được vay vốn tín dụng ưu đãi hoặc hỗ trợ lãi suất vốn vay để thực hiện các dự án phát triển ngành nghề nông thôn.;
- Các đối tượng không được vay vốn tín dụng ưu đãi thì được vay vốn thương mại tại các tổ chức tín dụng theo nhu cầu của dự án, không phân biệt giữa các thành phần kinh tế;  
- Các dự án có nội dung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để tập trung phát triển các cơ sở (cụm cơ sở) ngành nghề nông thôn theo quy hoạch của địa phương, được Ngân sách nhà nước cấp vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định hiện hành về xây dựng các khu công nghiệp địa phương;
- Các cơ sở ngành nghề nông thôn di dời ra khỏi khu dân cư được Nhà nước hỗ trợ không dưới 50% kinh phí di dời, lấy từ ngân sách địa phương, do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định;
- Được hỗ trợ 30-50% từ Ngân sách nhà nước cho đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên cơ sở có sự tham gia của các cơ sở sản xuất ngành nghề tại khu vực hưởng lợi của dự án. Trong đó, Nhà nước đầu tư cho quy hoạch mặt bằng, xây dựng các công trình đầu mối tập trung xử lý chất thải của khu vực sản xuất, hỗ trợ tiếp nhận công nghệ và một phần cho mua sắm trang thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường;
- Hỗ trợ 30-40% kinh phí xây dựng trung tâm phát triển ngành nghề nông thôn, khu trưng bày, XTTM sản phẩm ngành nghề nông thôn tại các chợ đầu mối theo từng từng nội dung cụ thể của dự án.
c. Nhu cầu vốn
Tổng số vốn cho dự án là 658 tỷ, trong đó ngân sách Trung ương là 250 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 158 đồng, đóng góp của người dân là 250 tỷ đồng.
Đối với các làng chưa có nghề: cần 1,5 tỷ đồng cho 5 năm (bình quân mỗi năm là 300 triệu đồng. Đối với các làng đã có nghề nhưng chưa đạt tiêu chí làng nghề: mỗi làng cần 1 tỷ đồng cho 5 năm (bình quân mỗi năm là 200 triệu đồng)

VI.            Các giải pháp thực hiện chương trình

1.     Các chính sách

a.     Chính sách thu hút cán bộ có trình độ về công tác tại nông thôn
Mục đích: Thu hút cán bộ có năng lực, được đào tạo cơ bản về công tác tại nông thôn;
Đối tượng: Các sinh viên sau khi tốt nghiệp đào tạo về nông nghiệp và phát triển nông thôn và các cán bộ trẻ được đào tạo về phát triển nông thôn;
Nội dung:
-         Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác phát triển nông thôn ở các cấp, bố trí đủ cán bộ vận động phát triển nông thôn ở cấp huyện, xã.
-         Xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi, thu hút cán bộ có trình độ về công tác tại các vùng nông thôn. Ưu tiên cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản;
-         Tạo điều kiện cho cán bộ về công tác tại nông thôn, nhất là cấp xã ít nhất trong thời hạn 3 năm;
b.     Chính sách đào tạo nghề cho nông dân
Mục đích: Tăng cường kỹ năng và kiến thức của lao động nông thôn về sản xuất nông nghiệp và nhất là ngành nghề phi nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn chuyển đổi nghề;
Đối tượng: Các lao động nông thôn trong độ tuổi lao động từ 16 đến 45
Nội dung:- Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Lao động TB và XH để xây dựng đề án tổng thể về đào tạo và dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng vào đào tạo, dạy nghề phi nông nghiệp, chế biến, bảo quản nông sản, tiểu thủ công nghiệp. Trước mắt, ưu tiên cho những hộ nông dân bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp và đất ở trong quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá;
          - Xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề dài hạn, trung hạn và ngắn hạn cho người dân nông thôn;
          - Xây dựng chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế, tổ chức nước ngoài vào lĩnh vực đào tạo, dạy nghề cho nông dân;
c.      Chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi nghề
Mục đích: Tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ người dân chuyển nghề sang phi nông nghiệp, qua đó giảm lao động nông nghiệp;
Đối tượng: Lao động nông nghiệp trong độ tuổi lao động
Nội dung:
-         Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn được tiếp cận thị trường, vốn, kỹ thuật, công nghệ để có thể chuyển đổi sang nghề phi nông nghiệp;
-         Tạo điều kiện thuận lợi phát triển các trung tâm, doanh nghiệp làm dịch vụ hỗ trợ kinh doanh ở nông thôn;
d.     Chính sách phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển nông thôn
Mục đích: Tăng cường vai trò của cộng đồng trong phát triển nông thôn
Đối tượng: các tổ chức quần chúng của người dân nông thôn
Nội dung:
-         Ban hành chính sách qui định rõ vai trò của cộng đồng trong phát triển nông thôn, cụ thể như tham gia đề xuất, triển khai, theo dõi và giám sát mọi công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn;
-         Ban hành qui chế yêu cầu tất cả các công trình, dự án có sử dụng nguồn vốn ngân sách đầu tư ở nông thôn đều phải có sự tham gia của cộng đồng;
-         Xây dựng cơ chế tự quản của cộng đồng đối với các công trình công cộng như thuỷ lợi, nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn...

2.     Tuyên truyền, nâng cao nhận thức xây dựng nông thôn mới

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để vận động người dân tham gia chương trình.
Tăng cường các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình...) phát hành các tờ rơi, hoặc các hình thức khác như xây dựng thành các nội dung sinh hoạt trong các câu lạc bộ...
Thực hiện các biện pháp tuyên truyền tác động và làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân và cộng đồng đối với phát triển nông thôn nhằm khơi dậy phong trào tự vận động phát triển trong cộng đồng dân cư nông thôn.

3.     Phát động phong trào quần chúng tự nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới

Một mục tiêu quan trọng và cũng là giải pháp của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2006-2010 là phải tạo ra phong trào quần chúng tự nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc với sự tham gia của các cơ quan Đảng, Chính phủ, các đoàn thể, tổ chức quần chúng từ Trung ương đến địa phương cùng góp phần xây dựng nông thôn mới.

4.     Huy động nguồn lực đầu tư cho chương trình

Căn cứ trên số lượng các xã, thôn bản tham gia xây dựng mô hình nông thôn mới, hàng năm Nhà nước có kế hoạch cân đối và cấp đủ từ nguồn vốn  Ngân sách nhà nước.
Huy động các nguồn tài trợ từ bên ngoài, kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như WB, ADB...các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước nhằm tăng nguồn lực cho chương trình.
Thực hiện biện pháp lồng ghép các hoạt động phát triển, chương trình, dự án đã có tại địa phương, nghiên cứu, triển khai các hoạt động lồng ghép mới, đảm bảo tăng nguồn lực đầu tư cho chương trình và phát huy hiệu quả cao nhất của các nguồn lực đầu tư.
Huy động các nguồn lực sẵn có trong nhân dân các địa phương tham gia chương trình. Tuỳ theo điều kiện và khả năng của từng địa phương để xây dựng cơ chế đóng góp phù hợp bằng sức người, sức của, phát huy tối đa tính sáng tạo và sự tham gia đóng góp của người dân địa phương.
Căn cứ kế hoạch thực hiện chương trình, hàng năm Ngân sách Nhà nước bố trí khoảng 391 tỷ đồng thích hợp để hỗ trợ quản lý chương trình và tạo "mồi" để huy động đóng góp của người dân, cộng đồng cũng như các tổ chức quốc tế.
Các nguồn vốn cụ thể cho Chương trình như sau:
- Hoạt động quản lý chương trình (ngân sách Nhà nước): 34 tỷ đồng, bao gồm:
+ Vốn sự nghiệp cho hoạt động quản lý chương trình tại cấp Trung ương (nguồn vốn ngân sách Trung ương):
400 triệu đồng/năm x 5 năm = 2 tỷ đồng.
+ Vốn sự cho hoạt động quản lý chương trình tại cấp tỉnh, huyện (nguồn vốn ngân sách địa phương): 100 triệu năm x 5 năm x 64 tỉnh, thành phố = 32 tỷ đồng
- Nhu cầu vốn cho 04 dự án trong 5 năm.
+ Đào tạo, tăng cường năng lực: 500 tỷ đồng
+ Vốn đầu tư nâng cấp điều kiện ở: 2.500 tỷ đồng
+ Vốn hỗ trợ phát triển sản xuất:1.250 tỷ đồng;
+ Vốn hỗ trợ mỗi làng một nghề: 658 tỷ đồng
- Hoạt động giám sát và đánh giá: 25 tỷ đồng
Tổng số vốn cho toàn bộ chương trình là 4.967 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 993,4 tỷ đồng/năm.
Cơ cấu vốn thực hiện Chương trình cụ thể như bảng dưới đây:
Bảng 1 - Tổng vốn của chương trình phân theo các nguồn
Đơn vị: tỷ đồng










TT
Khoản mục
NSTƯ
NSĐP
Dân và
cộng đồng

Tổ chức
quốc tế

Tổng
cộng

Tỷ
trọng

1
Dự án đào tạo và nâng cao
năng lực cộng đồng

       200,0
    100,0
           75,0
     125,0
       500,0
11,6%
2
Dự án nâng cao điều kiện ở
  1.000,00
   375,00
     875,00
   250,00
  2.500,0
50.3%
3
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất
     500,00
   187,50
     437,50
   125,00
  1.250,0
25.2%
4
Dự án Mỗi làng một nghề
     250,00
   100,00
     258,00
     50,00
     658,0
13.2%
5
Quản lý chương trình
         2,00
     32,00
            -  
          -  
       34,0
0.7%
6
Giám sát và đánh giá
         5,00
       5,00
            -  
     15,00
       25,0
0.5%

Cộng
  1.957,00
   799,50
  1.645,50
   565,00
  4.967,0
100%


39,4%
16,1%
33,1%
11,4%
100%


Bảng 2 - Phân kỳ vốn các dự án
Đơn vị: tỷ đồng









TT
Nội dung
2006
2007
2008
2009
2010
Tổng cộng
1
Dự án đào tạo và nâng cao
năng lực cộng đồng

    90,0
     110,0
     140,0
  100,0
    60,0
    500,0
2
Dự án nâng cao điều kiện ở
  300,0
     600,0
     700,0
  400,0
  500,0
 2.500,0
3
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất
  200,0
     300,0
     300,0
  250,0
  200,0
 1.250,0
4
Dự án mỗi làng một nghề
    58,0
     150,0
     150,0
  150,0
  150,0
    658,0
5
Quản lý chương trình
      6,8
         6,8
         6,8
      6,8
      6,8
      34,0
6
Giám sát và đánh giá
      3,0
         1,0
       10,0
      1,0
    10,0
      25,0

Cộng
 657,8
 1.167,8
 1.306,8
 907,8
 926,8
 4.967,0

Bảng 3 - Phân kỳ các nguồn vốn của chương trình
Đơn vị: tỷ đồng







TT
Khoản mục
2006
2007
2008
2009
2010
Tổng cộng
1
Ngân sách Trung ương
  259,0
     461,6
     515,4
  357,6
  363,4
     1,957.0
2
Ngân sách Địa phương
  120,0
     183,6
     206,4
  144,1
  145,4
        799.5
3
Dân và cộng đồng
  228,5
     381,5
     426,0
  297,5
  312,0
     1,645.5
4
Tổ chức quốc tế
    84,3
     128,1
     151,0
  100,6
  101,0
        565.0

Cộng
 691,8
 1.154,8
 1.298,8
 899,8
 921,8
     4,967.0

5.     Tăng cường hoạt động giám sát, đánh giá

Mục đích: Bảo đảm cho chương trình thực hiện có hiệu quả, đúng mục tiêu, đúng đối tượng, các cấp, các ngành điều chỉnh kịp thời các cơ chế, chính sách và các biện pháp thực hiện. Đồng thời, giúp đánh giá những làng, xã làm tốt trong giai đoạn 1 để khen thưởng và tiếp tục hỗ trợ trong giai đoạn 2 của chương trình.
Đối tượng: Tất cả các cấp, các ngành tham gia chương trình
Nội dung:
- Xây dựng hệ thống chỉ số giám sát đánh giá 4 cấp (Trung ương đến xã);
- Thiết lập phương pháp thu thập và xử lý thông tin ở các cấp;
- Xây dựng phần mềm quản lý đối tượng ở cấp tỉnh và cấp huyện;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu đầu kỳ về hiện trạng phát triển nông thôn;
- Tổ chức tự giám sát, đánh giá ở các cấp và tổ chức giám sát, đánh giá của cấp Trung ương theo định kỳ hàng năm, kết thúc giai đoạn 1 và kết thúc chương trình;
Nhu cầu vốn: Tổng nguồn vốn cho giám sát đánh giá là 25 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 5 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 5 tỷ đồng và 15 tỷ đồng từ nguồn huy động quốc tế.

VII.        Tổ chức thực hiện

1. Thời gian thực hiện Chương trình:
Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện trong 5 năm bắt đầu từ năm 2006 và kết thúc năm 2010.
Chương trình Xây dựng Nông thôn mới được thực hiện theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1 kéo dài trong 3 năm từ 2006-2008 và Giai đoạn 2 kéo dài trong 2 năm từ 2009-2010. Cụ thể như sau:
a. Giai đoạn 1 từ 2006-2008:
Trong năm 2006:
- Chính phủ phê duyệt Chương trình;
- Thành lập Ban thường trực Chương trình tại Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Dự án tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban quản lý Dự án tại các huyện;
- Xác định 2.000 xã tự nguyện tham gia Chương trình, mỗi xã xác định một thôn sẽ được Chương trình hỗ trợ; Thành lập Ban Phát triển Cộng đồng của Thôn chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động dự án tại thôn;
- Xây dựng hệ thống các chỉ số theo dõi, giám sát chương trình; Xây dựng cơ sở dữ liệu đầu kỳ về hiện trạng phát triển nông thôn tại các điểm dự án; Xây dựng phầm mềm quản lý đối tượng;
- Triển khai các hoạt động thuộc các Dự án tại 2.000 thôn có bản đề xuất được chấp thuận, trong đó tập trung vào Dự án Đào tạo và nâng cao năng lực cộng đồng;
- Nghiên cứu và xây dựng một số trường đào tạo về phát triển nông thôn tại các vùng điểm trên cơ sở rà soát trong số các trường hiện có hoặc xây dựng mới;
- Triển khai nghiên cứu các chính sách hỗ trợ trong phạm vi của Chương trình.
Năm 2007:
- Tiếp tục triển khai các hoạt động thuộc các Dự án tại 2.000 thôn;
- Phê duyệt và triển khai dự án đầu tư mới các trường đào tạo về phát triển nông thôn hoặc nâng cấp các trường hiện có;
- Hoàn thiện và ban hành các chính sách hỗ trợ trong phạm vi của Chương trình.
Năm 2008:
- Tiếp tục triển khai các hoạt động thuộc các Dự án tại 2.000 thôn;
- Tiến hành giám sát, đánh giá để bình chọn 1.000 thôn triển khai các dự án có hiệu quả nhất (thông qua tư vấn độc lập);
- Tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình và đề xuất điều chỉnh, bổ sung phù hợp
b. Giai đoạn 2 từ 2009-2010
Năm 2009:
- Lựa chọn 1.000 thôn mới để bổ sung vào tham gia Chương trình trong Giai đoạn 2;
- Triển khai các dự án hỗ trợ tại 1.000 thôn thuộc giai đoạn 1 và 1.000 thôn được bổ sung;
Năm 2010:
- Tiếp tục triển khai các dự án hỗ trợ tại 1.000 thôn thuộc giai đoạn 1 và 1.000 thôn được bổ sung;
- Tổ chức đánh giá toàn bộ chương trình (thông qua tư vấn độc lập); Tổ chức tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện Chương trình;
- Xây dựng và hoàn thiện Văn kiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 để trình Chính phủ thông qua trước tháng 10/2010.
Kết thúc chương trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả thực hiện của Chương trình để xây dựng cơ chế chính sách, phương pháp tổ chức thực hiện phục vụ cho công tác nhân rộng mô hình trong giai đoạn tiếp theo.
2. Phân công trách nhiệm các Bộ, ngành và địa phương
a. Chương trình phát triển Xây dựng Nông thôn mới đặt trong 1 Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia chung do một Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực Chương trình, có nhiệm vụ:
- Giúp Ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện Chương trình và chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương quản lý chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ và các dự án của Chương trình. Nghiên cứu đề xuất các hình thức ghi công, biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong việc thực hiện Chương trình;
- Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình cho giai đoạn 2006-2010, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất các chính sách hỗ trợ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Chủ trì, phối hợp với các địa phương bình xét và xác định cụ thể danh sách các xã và thôn/bản tham gia chương trình; phối hợp các Bộ, ngành hướng dẫn các địa phương hàng năm đánh giá các xã, thôn/bản thực hiện tốt chương trình để tiếp tục được tham gia chương trình trong giai đoạn 2009-2010.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý thực hiện Chương trình này theo nguyên tắc: phân cấp quản lý cho cơ sở; đơn giản về thủ tục nhưng phải đảm bảo yêu cầu quản lý chặt chẽ;
- Xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai Chương trình và kế hoạch thực hiện hàng năm; hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai Chương trình. Tổ chức kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình ở các địa phương. Định kỳ 6 tháng và hàng năm đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Chủ trì, phân bổ vốn ngân sách trung ương cho các địa phương thực hiện các dự án của Chương trình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định.
b. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp với Bộ Tài chính bố trí nguồn ngân sách Trung ướng cho các dự án của Chương trình và tổng hợp phương án phân bổ vốn của Chương trình theo thẩm quyền.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ chi tiết nguồn vốn của Chương trình cho các địa phương.
c. Bộ Tài chính
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ướng cho các dự án của Chương trình và tổng hợp phương án phân bổ vốn của Chương trình theo thẩm quyền.
Vốn thực hiện Chương trình được ghi thành một khoản mục riêng trong kế hoạch hàng năm của địa phương do địa phương quản lý, sử dụng đúng mục đích, đối tượng và đúng kế hoạch.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ chi tiết nguồn vốn của Chương trình cho các địa phương.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Chương trình.
d. Các Bộ ngành khác: Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Giao thông vận tải, Xây dựng, Văn hoá thông tin, y tế, giáo dục đào tạo... căn cứ mục tiêu của chương trình đã được duyệt, theo chức năng quản lý chỉ đạo, rà soát, bổ sung các chính sách và hướng dẫn các địa phương thực hiện để đạt các mục tiêu lồng ghép của chương trình.
e. Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ:
- Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình của địa phương;
- Tổ chức xác định, bình xét lựa chọn danh sách các xã, thôn/bản trên cơ sở thực hiện nguyên tắc dân chủ công khai, tự nguyện, rõ ràng minh bạch, bảo đảm đúng đối tượng, đúng tiêu chí của chương trình, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thẩm định tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Tổ chức huy động các nguồn lực trên địa bản để thực hiện Chương trình. Phát huy quyền làm chủ của người dân địa phương, vận động và tổ chức người dân tích cực, tự  nguyện đóng góp và tham gia trực tiếp vào thực hiện các nhiệm vụ và dự án của chương trình.
- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình đến năm 2010, kế hoạch thực hiện hàng năm, kế hoạch dự toán kinh phí tổng thể và hàng năm để thực hiện Chương trình, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh theo qui định.
- Định kỳ báo cáo tình hình thực hiện Chương trình cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để kịp thời xử lý giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện của Chương trình tại địa phương.
- Chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình trên địa bàn theo kế hoạch, đúng quy định, bảo đảm chất lượng, chống thất thoát và tiêu cực. Chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả của Chương trình.
- Hỗ trợ và tạo điều kiện cho cấp cơ sở thành lập Ban Quản lý dự án của thôn, bản. Ban Quản lý dự án gồm đại diện của chính quyền xã, HTX, đại diện các hiệp hội nghề, các tổ chức đoàn thể-quần chúng xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh…) và các đại diện khác do đa số người dân trong làng đề cử. Ban Quản lý dự án của thôn hoạt động theo các quy định hiện hành về quản lý dự án, có trách nhiệm triển khai thực hiện dự án của thôn đã được phê duyệt. Tổ chức để người dân, các cơ sở, hộ sản xuất ngành nghề nông thôn được trực tiếp tham gia, giám sát, quản lý, tiếp nhận các hoạt động đầu tư phát triển, các hạng mục công trình trên địa bàn.
g. Ban Chỉ đạo của Chính phủ phối hợp với các cơ quan Trung ương của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc vận động hưởng ứng tham gia Chương trình nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
h. Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương có nhiệm vụ tuyên truyền rộng rãi để toàn xã hội cùng tham gia hưởng ứng, phát động phong trào toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình.




KẾT LUẬN

Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm tới sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn nhờ đó bộ mặt nông thôn đã có sự thay đổi đáng kể. Hai chương trình mục tiêu quốc gia giành cho các xã nghèo và các xã đặc biệt khó khăn đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, giúp bộ phận các xã khó khăn yếu kém phát huy được tiềm năng sẵn có từng bước thoát khỏi đói nghèo. Ở những giai đoạn tới bên cạnh việc tiếp tục thực hiện hai chương trình trên, Chương trình phát triển nông thôn mới sẽ là bước đi tạo động lực cho các xã đã thoát nghèo vươn lên những tầm cao mới trong phát triển kinh tế, ổn định tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn. Chương trình phát triển nông thôn mới với các nội dung tổng hợp, khuyến khích được sự tham gia của đông đảo nhân dân, phát huy nội lực vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Chương trình thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong công tác phát triển đi đôi với công bằng xã hội, phát triển cân đối giữa thành thị, nông thôn và các vùng miền trên cả nước./.
         
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN




PHỤ LỤC 1 - NGÂN SÁCH CHƯƠNG TRÌNH


Bảng 1.1  Ngân sách Chương trình theo nguồn vốn và hạng mục dự án












TT
Khoản mục
NSTƯ
NSĐP
Dân và
cộng đồng

Tổ chức quốc tế
Tổng cộng
tỷ đồng
%
tỷ đồng
%
tỷ đồng
%
tỷ đồng
%
tỷ đồng
%
1
Dự án đào tạo và nâng cao năng lực cộng đồng
     200.0
40.0%
  100.0
20.0%
       75.0
15.0%
  125.0
25.0%
     500.0
10.1%
2
Dự án nâng cao điều kiện sống
  1,000.0
40.0%
  375.0
15.0%
     875.0
35.0%
  250.0
10.0%
  2,500.0
50.3%
3
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất
     500.0
40.0%
  187.5
15.0%
     437.5
35.0%
  125.0
10.0%
  1,250.0
25.2%
4
Dự án mỗi làng một nghề
     250.0
38.0%
  100.0
15.2%
     258.0
39.2%
    50.0
7.6%
     658.0
13.2%
5
Quản lý chương trình
         2.0
5.9%
    32.0
94.1%
          -  
0.0%
        -  
0.0%
       34.0
0.7%
6
Giám sát và đánh giá
         5.0
20.0%
      5.0
20.0%
          -  
0.0%
    15.0
60.0%
       25.0
0.5%

Cộng
  1,957.0
39.4%
  799.5
16.1%
  1,645.5
33.1%
  565.0
11.4%
  4,967.0
100.0%

Tỷ trọng
39.4%

16.1%

33.1%

11.4%

100.0%




PHỤ LỤC 2 - MỘT SỐ CHỈ TIÊU CƠ BẢN CỦA CHƯƠNG TRÌNH

Bảng 2.1. – Các chỉ tiêu cơ bản của Dự án đào tạo và nâng cao năng lực cộng đồng











TT
Chỉ tiêu
2006
2007
2008
2009
2010
Tổng cộng
1
Số lượt cán bộ được đào tạo
    42.700
    42.700
    42.700
    42.700
    42.700
  213.500
2
Số lượt lao động nông thôn được đào tạo
  100.000
  100.000
  100.000
  100.000
  100.000
  500.000
3
Số tiểu giáo viên được đào tạo
      1.000
      1.500
      1.500
      1.500
      1.500
      7.000
4
Nguồn vốn cho dự án (tỷ đồng)
        90,0
      110,0
      140,0
      100,0
        60,0
         500
4.1
Nguồn vốn ngân sách
Trung ương (tỷ đồng)

        36,0
        44,0
        56,0
        40,0
        24,0
         200
4.2
Nguồn vốn ngân sách địa phương (tỷ đồng)
        18,0
        22,0
        28,0
        20,0
        12,0
         100
4.3
Vốn huy động của dân và cộng đồng (tỷ đồng)
        13,5
        16,5
        21,0
        15,0
          9,0
           75
4.4
Hỗ trợ của các tổ chức quốc tế (tỷ đồng)
        22,5
        27,5
        35,0
        25,0
        15,0
         125


Bảng 2.2  – Các chỉ tiêu cơ bản của Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất









TT
Chỉ tiêu
2006
2007
2008
2009
2010
Tổng cộng
1
Số làng được hỗ trợ
      2.000
      2.000
      2.000
      2.000
      2.000

2
Số lượt hộ được hỗ trợ
  300.000
  300.000
  300.000
  300.000
  300.000
  1.500.000
3
Nguồn vốn cho dự án (tỷ đồng)
      200,0
      300,0
      300,0
      250,0
      200,0
         1.250
3.1
Nguồn vốn ngân sách Trung ương (tỷ đồng)
        80,0
      120,0
      120,0
      100,0
        80,0
            500
3.2
Nguồn vốn ngân sách địa phương (tỷ đồng)
        30,0
        45,0
        45,0
        37,5
        30,0
            188
3.3
Vốn huy động của dân và cộng đồng (tỷ đồng)
        70,0
      105,0
      105,0
        87,5
        70,0
            438
3.4
Hỗ trợ của các tổ chức quốc tế (tỷ đồng)
        20,0
        30,0
        30,0
        25,0
        20,0
            125

 



[1] Tính đến 31/12/2004, cả nước có 9012 xã, trong đó khoảng 2.200 xã đã được nhận hỗ trợ của Chương trình 135, khoảng 1.000 xã thuộc đối tượng của Chương trình Mục tiêu quốc gia về XĐGN-VL.

Leave a Reply

 
Cả nhà thương nhau © 2011 DheTemplate.com & Main Blogger. Supported by Makeityourring Diamond Engagement Rings

You can add link or short description here